Giới thiệu về Đền Và

0
1311

Đền Và là một trong không nhiều di tích có dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Mạc. Du khách đến đây sẽ được dạo bước cùng rừng lim già xanh biếc, ngắm các mái nhà thoai thoải cong vút đầu đao tưởng như lạc vào cõi bồng lai.

Đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế

Đền Và – Đông cung thờ Tản Viên Sơn Thánh thuộc thôn Vân Gia (nguyên là Vân Già, 雲 遮), phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1964.

1. Lịch sử xây dựng

Theo bia “Vân Già đông trấn cung ký” (雲 遮 東 鎮 宮 記) dựng ở đầu hồi hai bên nhà Tiền tế ở đền năm Tự Đức thứ 36 (1883) thì đền Và đã có từ thời Bắc thuộc, lúc ấy đền là khu thờ nhỏ nhưng rất linh ứng. Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1884. Sự mở rộng quy mô của đền gắn với sự thành lập và phát triển của tỉnh Sơn Tây thời Pháp thuộc. Sau khi tỉnh này được lập ra năm 1831 (Minh Mạng thứ 12), tỉnh lỵ là nơi tập trung nhiều quan chức, thương gia chỉ cách đền Và khoảng 2 km nên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, những người này cùng với dân quanh vùng đã hưng công để xây dựng thêm nhà Tiền tế 5 gian. Trước đó, nhà Tiền tế đã có nhưng quy mô nhỏ. Cho đến nay, nhà Tiền tế đã trải qua 3 lần tu sửa lớn: tu tạo năm 1829 (Minh Mạng thứ 10), đại tạo năm 1902 (Thành Thái thứ 14) và lại tu tạo năm 1932 (Bảo Đại thứ 7). Dựa theo văn tự chữ Hán khắc ở cột thì Hậu cung như hiện nay được làm vào các năm 1915-1919. Năm 2008 dự án tu bổ, tôn tạo đền Và đã được triển khai thực hiện, góp phần bảo tồn một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu của Thủ đô.

2. Vị thần được thờ

Vị thần được thờ phụng ở đền Và là Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, đứng đầu trong tứ bất tử và là “Thượng đẳng tối linh thần”, “Đệ nhất phúc thần” (弟 一 福 神), “Nam thiên thần tổ” 南 天 神 祖)… là người anh hùng văn hoá sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thuỷ, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc, là phúc thần trừ tai hoạ cho dân. Từ thời Hậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên.

3. Kiến trúc di tích

* Không gian cảnh quan kiến trúc

Đền Và nằm giữa một đồi cây có diện tích khoảng 17.500 m², không gian này đã gần với tự nhiên thoáng như mang tâm hồn Thiền và Lão trang, khiến cho đền Và như là một mảnh đất thánh thiện lạc xuống trần gian. Quanh khuôn viên này được trống rất nhiều những cây lim cổ thụ, bên cạnh đó là cây mít, thông, đại, muỗm… mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh.

Với không gian cây cỏ, ngôi đền như được ẩn vào trong tự nhiên để mang yếu tố “hoà” của tâm hồn dân tộc. Khách hành hương đến đền Và sẽ cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên, với thế giới siêu nhiên. Ở đền Và tường thành bao bằng đá ong cao hơn mặt đất chừng 2m đã vượt trên giá trị bảo vệ để tham gia vào giá trị nghệ thuật. Thành được xây hai lớp, theo cách thức thượng thu hạ thách, chính giữ lèn đất, phần bao chỉ được thực hiện chủ yếu ở hai bên sườn và phía sau.

Đền có bố cục dàn trải tương đối cân xứng theo trục linh đạo. Mở đầu cho kiến trúc của đền, là sân đền được bao bằng tường đá ong, trên trục trung tâm phía trước sân có một bình phong tạo những hang hốc mang vẻ tự nhiên. Mặt ngoài của bình phong thờ Ngũ hổ trong hang với trung tâm là hổ vàng, mặt sau của động này đắp hình “long cuốn thuỷ” dưới dạng tứ linh với ý nghĩa để cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu được mùa và cầu có người tài ra giúp dân giúp nước.

Qua một sân rộng khoảng 300 m² có tường thấp bao quanh, đến Nghi môn chính của đền Và. Với mặt nền cao chừng 1m, Nghi môn trông như cao hơn để mở ra khung cảnh nội đền nguy nga phía sau. Qua Nghi môn, vào khoảng sân rộng, được khuôn vuông bằng hệ thống công trình kiến trúc khép kín. Liền sát ngay Nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác Chuông và gác Trống, tiếp đến là hai dãy Tả vu, Hữu vu, nhà Kho, phía sau của nhà Tả hữu vu mỗi bên hai nhà Tạo soạn và là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương. Nhà Tiền bái nằm song song với Nghi môn ở phía cuối sân, hai đầu nhà Tiền bái có tháp thiêu hương để hoá vàng mã sau khi cúng tế xong. Ngôi nhà chữ Công cách Tiền bái 1,2m, đầu nhà có bể nước và một gian nhà nhỏ để kiệu.

Với đền Và chúng ta được chứng kiến tài khéo léo của nghệ nhân xưa trong việc lợi dụng mặt thoải sườn đồi để giải quyết chiều cao kiến trúc. Lối bố trí kiến trúc theo hướng đi lên đó khiến các ngôi nhà như được nâng cao dần, đặc biệt với các công trình chính như: Nghi môn, Tiền bái, Hậu cung. Mặc dù kết cấu rất thấp nhưng khách hành hương vẫn có cảm giác là đền có xu hướng vươn bay lên, tránh xu hướng bị hút xuống đất như ở các di tích khác. Có thể tạm coi đây là một thành công trong việc giải quyết mặt bằng di tích.

* Kết cấu các hạng mục kiến trúc

Nghi môn: Gồm ba gian được dựng trên nền cao trong đó gian giữa rất lớn và hai gian bên nhỏ. Nghi môn có đặc điểm nổi trội dễ nhận biết với ba hàng chân cột gỗ khá cao, kê trên những chân tảng đá ong.

Đây là một Nghi môn hiếm gặp trong kiến trúc truyền thống ở nước ta, bởi hiện nay những Nghi môn được làm ba hàng chân sớm nhất có thể nghĩ tới từ kiến trúc của đền Vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình) được làm vào thế kỷ XVII, sau đó đến Đại Thành môn ở Văn Miếu, Tam quan chùa Bút Tháp rồi đến Nghi môn đền Và. Hiện tượng ba hàng chân theo như các nhà nghiên cứu kiến trúc, mỹ thuật ít nhiều có chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa.

Gác Trống, gác Chuông

Ngay sát sau Nghi môn, ở hai bên là gác Chuông và gác Trống – sản phẩm của đầu và giữa thế kỷ XX. Hai kiến trúc này tương đối giống nhau với kết cấu hai tầng mái dưới dạng phương đình, nếu nhìn từ bên ngoài thấy lộ rõ những tàu mái và ấu tàu, tuy các kết cấu này ngắn, dày nhưng không thô. Đặc biệt điểm xuyết ở mỗi mặt có hai đầu kẻ nhô ra rồi được chốt bởi đầu của then tàu, dưới dạng một đấu thắt bụng giữa. Dưới những đầu kẻ này người ta đã tạo các con chống (chạm văn chữ triện) áp sát vào tường và đội bụng kẻ. Hình thức con chống kiểu cánh gà đội bụng kẻ và ăn chân vào tường, ít nhiều mang tính chịu lực đã như một bắt nguồn từ nghệ thuật Huế mà chúng ta có thể thấy rất rõ ở những mái bên của kiến trúc trong lăng Tự Đức.

Trang trí của hai toà nhà này chỉ được thể hiện ở mặt nhìn vào sân với hình thức năm con dơi xoè rộng cánh đặt cân xứng ôm lấy cửa sổ tròn. Những nhà nghiên cứu về dân tộc học nghệ thuật đã cho biết rằng đây là biểu tượng của Ngũ phúc: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Hội tất cả lại như nói lên lời cầu chúc cho con người khi đi qua Nghi môn vào với chiêng với trống là được hưởng những hạnh phúc viên mãn, hay tiếng chuông tiếng trống bay ra qua các cửa đó là đem ngũ phúc tới muôn nhà. Mặt khác, hai toà nhà này, mỗi toà đều đứng độc lập với nhau, ít nhiều người ta có thể tạm nghĩ: ở nó như hội tụ của âm dương đối đãi.

Tả vu, Hữu vu: Là hai toà nhà được làm tiếp nối với gác Chuông và gác Trống với kết cấu kiểu tường hồi bít đốc, mặt trước có cột vuông trên nền tam cấp, để trống mặt trong. Bộ vì nóc kết cấu “vì kèo quá giang” đơn giản mà vững chắc. Nhìn chung các chi tiết kiến trúc gỗ của Tả hữu vu đều thiên về xu hướng vuông và được bào trơn đóng bén – sản phẩm của thời Nguyễn muộn.

Tiền bái: Toà Tiền bái được làm theo kiểu ba gian hai chái lớn, mặt bằng bốn hàng chân. Những niên đại hiện nay còn được ghi lại trên thượng lương và câu đầu là Minh Mạng thứ 11, rồi những niên đại Thành Thái 14 và Bảo Đại. Tuy nhiên nghệ thuật chạm khắc ở đây có lẽ chủ yếu là vào đời Thành Thái và Bảo Đại. Trong kiến trúc này hiện nay được treo nhiều bức hoành phi với những đại tự được làm khá kỹ dưới dạng cuốn thư hoặc có nền chạm rồng, sơn son thếp vàng, đồng thời cũng có rất nhiều câu đối, song chủ yếu cũng mang niên đại khá muộn.

Gian chính giữa Tiền bái có bài trí ban thờ và 4 pho tượng kích thước như người thật đứng nhìn vào nhau, tay cầm vũ khí và khoác áo bào đỏ gọi là “Tứ Trấn” trấn ở bốn cung quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên nhà có hai pho tượng quan văn, quan võ ngồi hướng vào nhau.

Nhà chữ Công (工)

Nơi thờ chính của đền Và, là một kiến trúc hình chữ công (工). Đây là một kiến trúc, ở lĩnh vực đền, hiện nay được coi là sớm nhất nước ta bởi những dấu vết liên quan đến kiến trúc và hiện vật đã mang niên đại ít nhất từ khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII với nhiều chi tiết được xác định ở thời Mạc và mang phong cách thời Mạc.

Toà ngoài của kiến trúc chữ công có kết cấu mặt ngoài với 3 gian 2 chái lớn. Ở đây, những bộ vì cũng đã được sửa lại nhiều vào đầu thế kỷ XX với kiểu kết cấu giá chiêng có hai bên cột trốn là hai con rường đỡ hoành mái. Điều đáng quan tâm ở toà nhà này và gian ống muống là ở cột quân có bẩy ăn mộng vào thân cột và được thể hiện rất thấp. Hiện tượng này đã khẳng định về kiến trúc của đền vẫn theo một phong cách rất cổ và chúng ta có thể nghĩ được đó là sản phẩm của giữa thế kỷ XVII trở về trước.

Trên đường vào Hậu cung ta bắt gặp bộ vì lớn, được làm theo kiểu thượng ván mê, hạ chồng rường trên xà nách. Bên dưới bộ vì có mở ba cửa đi, trong đó cửa hai bên vì nách là lối đi vào Hậu cung, cửa giữa là cửa thờ.

Toà nhà bên trong cũng có kết cấu 3 gian 2 chái và khá thấp, đó là sản phẩm mang kiểu thức của thời gian sớm. Tuy nhiên bộ vì nóc cũng chỉ làm theo kiểu giá chiêng rường nách cho thấy nó đã được sửa chữa khá nhiều.

Hậu cung đặt một khám thờ cao hơn 3m sơn son thếp vàng được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Trong cùng là bài vị của Đức Quốc Mẫu (bà Đinh Thị Điên, mẹ Thánh Tản Viên mà dân gian gọi chệch đi là Bà Đen). Tiếp đến là 3 bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Cao Sơn, Quý Minh). Trước khám thờ có hương án bày long ngai bài vị của ba vị, phía trên khám treo bức đại tự “Thượng đẳng tối linh thần” (上 等 最 靈 神) niên đại Tự Đức Quý Mùi (1883).

4. Nghệ thuật trang trí – điêu khắc

* Trang trí bên ngoài kiến trúc

Trong hệ thống trang trí bộ mái, chúng tôi đặc biệt chú ý đến phần trang trí trên toà nhà ngoài của đền thờ chính (nhà chữ công) với các linh vật: makara, rồng, lân, phượng… Đây chính là những chứng cứ xác nhận sự tồn tại của ngôi nhà chữ Công với kích thước khá bề thế ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

– Hai đầu bờ nóc của toà nhà là hai đầu kìm được thể hiện bằng một con quái vật mà ta quen gọi là makara có đầu theo kiểu rồng ngậm bờ đao. Đầu kìm bên trái có mang nở, răng lớn, mắt lồi, thân có vẩy cá chép kép, phần đuôi kiểu cá chép, nhưng trên lưng vẫn là một vân xoắn lớn, được thể hiện dưới dạng hộp, trổ thủng với đường lượn chạy ngược lên đầu, quặt ra sau rồi cuộn lại. Điểm xuyết giữa hai nẹp là một số vân xoắn nối với đao cách điệu. Người ta nhận thấy những hoa văn kiểu đao này như là một tiền đề của đao mác ở thế kỷ XVII.

Đầu kìm bên phải cũng có bố cục tương tự, xong đầu rồng ít hung dữ hơn, không có thân cá và không còn dạng vân xoắn rỗng kiểu hộp. Bằng vào nghệ thuật có thể xếp đầu kìm đối diện bên kia vào thời Mạc thì đầu bên này đã có khả năng muộn hơn gần một thế kỷ.

– Khúc nguỷnh có những con rồng nguyên khối, trong đó con rồng bên trái chỉ có một chiếc đầu với đôi mắt quỷ, miệng hở răng, môi mỏng lượn sóng, mũi nhiều lớp cuộn lại như hình thức của những chiếc lá cuộn đầu. Tai kiểu thú, mỏng, tạo khối. Rồng chỉ có đầu và đuôi, không thể hiện rõ thân, thay vào đó là bằng một “đao” tóc chải lượn sóng. Bao quanh đao tóc chải lượn sóng ấy là hàng vây răng cưa ở cả trên lẫn dưới. Từ khuỷu chân của rồng một vân xoắn lớn làm gốc cho một đao lượn sóng đè trên thân bay ra phía sau. Đây là hình tượng hầu như chưa thấy ở bất kể di tích nào. Nó có tính chất sáng tạo, đột ngột, cũng như những con rồng rất đơn giản tạo tác không bài bản ở bia chùa Trà Phương (Hải Phòng) làm năm 1538.

Ở khúc nguỷnh đối diện cũng được gắn một con rồng nguyên con, miệng hé mở ngậm một hạt ngọc tròn, mắt quỷ dưới hàng lông mày cong xoắn cách điệu. Thân cũng được điểm vẩy như những hạt nổi như ở lân bờ guột. Khúc uốn thứ nhất lớn với những cụm vân xoắn nối nhau, từ đó một đao mảnh nhẹ như tạo thành một sống đè lượn theo thân đến gần hết đuôi. Rồng có kiểu bụng rắn, vây chia tầng. Đây cũng là một con rồng đặc biệt không hề có trong hệ thống rồng phổ biến như chúng ta đã từng biết.

– Ở đầu guột của góc mái, là hình tượng những con hồi lân mắt tròn với lông mày là sự biến cải của vân xoắn bắt nguồn từ những thời trước. Thân lân nhỏ nhưng được tỉa rất nhiều vẩy nhỏ, nổi, có lẽ được làm theo kiểu áp khuôn. Trên lưng của lân tạo bởi một đường vân xoắn lớn với đao lượn sóng lồi ra như biên lá, song trên lưng của đao này mọc ra 5 chiếc đao lớn rồi quặt nhẹ đầu ra phía sau (hiện tượng cuộn đầu này rất phổ biến trong tạo hình thời Mạc). Đuôi của lân khá lớn, xuất phát từ vân xoắn và đao rồi từ đó bay lượn lên trên một cụm tóc chải dài. Chân sau của lân còn khá rõ, thể hiện khúc triết với bốn móng bám chặt vào phía dưới.

– Bờ nóc và bờ dải của toà nhà này hiện nay còn được lắp gạch hộp trang trí linh vật và hoa lá. Về cơ bản, những linh vật này đã có ý thức sản xuất hàng loạt theo kiểu khuôn, vì thế có thể nghĩ rằng chúng là sản phẩm có gắn với thương mại. Những con rồng đơn giản có đao mắt chảy xuống phía dưới với một tay nắm lấy. Rồng có tóc kiểu đao nhọn, hàng vây lưng lớn gần ngang thân rồng, bốn chân đều ở bụng dưới. Phượng được thể hiện nằm trong ô tròn có đầu rất lớn, chân khuỵu, cánh phượng mỗi bên 3 hoặc 4 tia chạy ra rồi cuộn đầu trở lại (động tác này gần gũi với con phượng được xếp vào thời Mạc ở đình Thổ Hà). Cùng với phượng còn có bông cúc cách điệu nhìn nghiêng đơn sơ, mộc mạc nhưng mang giá trị nghệ thuật khá cao. Điểm xuyết trong hệ thống gạch hộp này còn những hoa văn cách điệu khác, như hoa chanh, hoa thị với phần trung tâm lại là một bông hoa bốn cánh hình tròn kép với nhị như là mặt trời nhỏ – hình thức này cho ta thấy có một tương đồng giữa vân xoắn và nguồn phát sáng – liên quan đến bầu trời với tinh tú và sấm chớp.

* Trang trí bên trong

Đề tài tứ linh: được nhiều lần tái hiện bên trong kiến trúc. Trước hết ở kẻ suốt của Nghi môn, đầu rồng chạm ở trung tâm theo lối nhìn chính diện, thân uốn yên ngựa xuôi về đầu kẻ. Phượng hoàng dang rộng cánh tư thế vút bay xuống đầu kẻ. Rùa quá nhỏ ẩn mình vào các cụm sóng. Lân có đầu rồng, môi lượn hình số 3 cắp chữ Thọ vuông, mình ngựa đang từ đầu kẻ đỡ mái phi lên.

Mặt trong của các cốn mê nhà Tiền bái chủ yếu chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng) với trung tâm là đầu rồng nổi khối, còn lại mọi chi tiết của rồng, thân của lân, phượng, rùa đều được chạm nổi cao. Hình thức này có phượng hàm thư, rồng cuốn thuỷ, lân đội bát quái, rùa đội hòm sách… tất cả được điểm xuyết bởi một hồ sen và nước. ở đây ý nghĩa của tứ linh cũng không khác gì ở mọi nơi, song đặc điểm được nổi lên là hồ sen trong đó những lá và cuống sen được thể hiện rất rõ, như ít nhiều mang ý nghĩa của Phật đạo.

Đề tài rồng: Rất ít gặp rồng nguyên con chạm tròn trên kiến trúc gỗ, trong các toà nhà chủ yếu nổi trội là các đầu dư chạm hình một đầu rồng, ngoài ra có lưỡng long chầu nguyệt trên ván lá gió ở bộ vì trước cửa Hậu cung.

– Hiện nay nhà chữ công có rất nhiều đầu dư chạm rồng ở quanh các cột của gian trung tâm. Các đầu dư chủ yếu được làm vào thế kỷ XVII và XVIII, trong đó đầu dư ở cột cái ngoài có nét đặc biệt là không chạm thủng mà chỉ chạm nổi – lối chạm nổi như thế này rất ít khi gặp ở các di tích.

Đầu dư phía trong của vì nóc hồi bên trái nhà ngoài được chạm lộng, bong với các tóc, đao mắt và các đao phụ đều mảnh dài, lượn nhẹ, là sản phẩm của đầu thế kỷ XVII – Đây là đầu dư đáng quan tâm hơn cả, bởi nó mang phong cách mỹ thuật thời Mạc, tương tự như một số đầu dư ở đình Tây Đằng (huyện Ba Vì).

– Ván lá gió của vì nhà ống muống được chạm trổ rất đẹp, là nghệ thuật thế kỷ XVII, với hình thức rồng chầu mặt trời thành hai lớp. ở đuôi của cặp trên chạm lân, đuôi của cặp dưới chạm hươu và đầu rồng hàng dưới có thú nhỏ chui ra dưới những nét đao. Nhìn chung mảng chạm khá nghiêm chỉnh, cân đối, được thể hiện rất kỹ, chuẩn mực. Hai mặt trời đều thể hiện dưới dạng mặt tròn, viền quanh mặt tròn là những cánh hoa và vân dấu, hỏi khiến cho nó như là hoá thân từ hoa cúc mà ra. Tuy nhiên, thông qua các mảng chạm này, tuy rõ ràng chúng tương đối giống nhau về bố cục, có khác nhau một chút về cách thể hiện nhưng rõ ràng chúng là hai mảng được ghép vào nhau.

Đề tài phượng: Được chạm trên vì ván mê ở cửa thờ giữa bộ vì nhà ống muống (trước cửa Hậu cung) theo hình thức đôi phượng hàm thư cân xứng, với cách thức thể hiện này cho thấy rõ ràng đó là sản phẩm của thế kỷ XIX.

Đề tài hoa lá: Trên đường vào toà Hậu cung có một kết cấu hết sức đặc biệt, được tạo ra ba cửa trong đó hai cửa bên để ra vào, cửa giữa là cửa thờ. Đặc biệt ở cửa bên trái có chiếc xà nách đã được chạm nổi những hình vân xoắn, lá cúc cách điệu với trung tâm là hoa cúc. Những hiện tượng vân xoắn, lá cúc và hoa cúc cách điệu kiểu này ít nhiều có bắt nguồn từ nghệ thuật như của đình Tây Đằng, nhưng có niên đại muộn hơn vài chục năm.

Chiếc xà nằm dưới mảng trang trí rồng chầu mặt trời ở dưới vì nóc có trung tâm là một hoa cúc mãn khai nhìn nghiêng, bao xung quanh là những vân xoắn và đao toả sang hai bên, tương tự như ở xà nách, nên chúng ta có thể tin được chiếc xà này có niên đại khá sớm, có thể chúng được làm vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, ở thời điểm khởi dựng công trình.

5. Lễ hội truyền thống

Đền Và là một trong không nhiều di tích có dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Mạc của Hà Nội cũng như toàn quốc. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được cảnh quan hài hòa với những cây lim xanh cổ thụ mang đầy tính triết lý về cuộc sống của ông cha ta. Du khách đến đây sẽ được dạo bước cùng rừng lim già xanh biếc, ngắm các mái nhà thoai thoải cong vút đầu đao tưởng như lạc vào cõi bồng lai.

Đặc biệt hơn các di tích khác, đền Và là một trong những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Tản Viên với lễ hội chính được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Cứ ba năm thì mở hội lớn một lần vào các năm Tý – Mão – Ngọ – Dậu. Những năm này các làng có liên quan tín ngưỡng ở đền cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn với sự tham gia của dân 8 làng thuộc xã Trung Hưng, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc). Đám rước được cử hành từ đền Và lúc sáng sớm qua cổng thành Sơn Tây, qua làng Phù Sa, Phú Nhi rồi ra bờ sông Hồng để rước sang Vĩnh Phúc. Đặc biệt, ở hội này còn có tục rước nước làm lễ “tắm thánh” do dân làng Di Bình đảm nhiệm.

Ngoài hội xuân, ở đền Và còn có hội Thu vào rằm tháng 9 cũng nức tiếng một vùng lễ hội đánh cá trên sông Tích. Trong hội này, lễ vật đặc biệt được chế biến từ các món cá: cá luộc, cá nướng, gỏi cá, món nham cá… Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá nằm trên cánh đồng, đầu chầu về hướng đền Và.

Lễ hội đền Và với các nghi thức tế, lễ, rước nước, đánh cá… và các sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đã chứng minh phần nào cho quá trình phát triển của tâm hồn và tài năng người Việt xưa, ở đó nó đã mã hoá bao điều về tâm thức dân gian cần được nghiên cứu. Lễ hội truyền thống đền Và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 01/2016.

 Nguồn: Sở Du Lịch Hà Nội

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here