Giới thiệu về làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam

0
4860

TA_Trang bìa mặt ngoài_LVH-01.jpg

I.GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

[khoa-hoc-dl][mxh]

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối đại lộ Thăng Long, nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Suối Ngọc Vua Bà, Rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…và ấp mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại; với địa hình bán sơn địa có đồi núi, có thung lũng và bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng.

Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án.

Theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, Khu du lịch Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Từ năm 2016, bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Tuần đại đoàn kết – di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện.

Về với Làng, ngoài việc khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, bạn còn có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và những tình cảm nồng ấm của đồng bào.

Để có những phút giây lắng đọng, an bình giữa nhịp đời hối hả đầy áp lực của cuộc sống hiện đại, để chia sẻ những cảm xúc của mình, mời bạn thu xếp một chuyến đi về với Làng – “Ngôi nhà chung” luôn chào đón bạn với những nụ cười và hơn cả những điều bạn thấy!

II. THÔNG TIN ĐIỂM ĐẾN

1. Thời gian đón khách

Từ thứ Hai đến Chủ Nhật hàng tuần (Cả ngày Lễ, Tết trong năm)

– Buổi sáng:          Từ 8 giờ đến 11giờ 30 phút

– Buổi chiều:         Từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút

2. Khu đón tiếp, thông tin, bán vé; tại cổng 54 Khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội

3. Điểm đến hấp dẫn

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” vinh dự là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Hiện nay, tại Làng có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày như: Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer.. nhằm tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

– Du khách sẽ được trải nghiệm khi đến Làng:

+ Tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội các dân tộc

+ Chụp ảnh, giao lưu với cộng đồng các dân tộc

+ Thưởng thức và trải nghiệm sự phong phú của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc: Hát then, hát dân ca, múa khèn, chơi đàn Chapi, múa chu chai…

+ Trải nghiệm các trò chơi dân tộc: Ném còn, đi cà kheo, tó má lẹ, chơi parahet, đi cầu khỉ…

+ Tìm hiểu và trải nghiệm nghề thủ công truyền thống: Dệt, đan lát, chế tác nhạc cụ, tượng điêu khắc,…

+ Trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực dân tộc: Làm bánh, thổi xôi ngũ sắc, làm cơm lam, rang giã cà phê…

+ Trải nghiệm du lịch cộng đồng: Homestay, camping, lửa trại…

+ Thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc vào các ngày cuối tuần trong các tháng.

+ Mua sản vật dân tộc, đồ lưu niệm: Rau rừng, thịt gác bếp, rượu ngô, cà phê, đường thốt nốt; thổ cẩm, mô hình nhà Rông…

III. CÁCH TIẾP CẬN ĐIỂM ĐẾN

ban do (song ngu).jpg

– Nằm cách trung Thành phố tâm Hà Nội 40 km về phía Tây, du khách di chuyển để đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam theo cách:

+ Từ trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 60 phút bằng xe ô tô, đi hết đại lộ Thăng Long, đi thêm 8km và rẽ phải sẽ đến Làng.

+ Từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 70 phút bằng xe ô tô từ nút giao vành đai 3 rẽ phải, đi hết đại lộ Thăng Long, đi thêm 8km và rẽ phải sẽ đến Làng.

– Phương tiện di chuyển:

+ Phương tiện công cộng: Xe bus số 107, với giá vé 9.000đ/người, đón quý khách từ bến xe Kim Mã đi theo trục đường đại lộ Thăng Long và điểm dừng chân cuối cùng là Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

+ Phương tiện cá nhân: ô tô, xe máy, xe đạp

IV. KHU CÁC LÀNG DÂN TỘC – NƠI TÁI HIỆN KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỦA 54 DÂN TỘC VIỆT NAM

Poster.jpg

Khu các làng dân tộc tổng diện tích 205ha được chia thành 04 cụm làng theo những nhóm và hệ ngôn ngữ khác nhau: (chú ý kèm bản đồ của 3 cụm làng 1, 2, 3 theo lời giới thiệu)

– Cụm làng I: Là không gian văn hóa của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, hiện có các dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú đang sinh sống hàng ngày. Đến đây, quý khách sẽ được lắng nghe làn điệu Then mượt mà, sâu lắng; hòa cùng điệu múa xòe của cô gái Thái hay tiếng khèn gọi bạn tình của chàng trai dân tộc Mông. Đặc biệt là không gian văn hóa Chợ Vùng cao đậm sắc núi rừng.

– Cụm làng II: Là không gian văn hóa của 18 dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, với những mái nhà Rông cao vút, hay những ngôi nhà dài của chế độ mẫu hệ; cùng hòa chung vào nhịp cồng chiêng và điệu múa xoang rộn ràng của các dân tộc nơi đây. Hiện có các dân tộc Tà ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê đang hoạt động hàng ngày.

– Cụm làng III: Là không gian văn hóa của 04 dân tộc Chăm, Khmer, Chu Ru và Chơ Ro. Tại đây, tái hiện 02 công trình tâm linh đặc sắc là quần thể chùa Khmer và tháp Chăm.

– Cụm làng IV: Là không gian văn hóa của 04 dân tộc Kinh, Hoa, Ngái và Sán Dìu hiện đang trong quá trình hoàn thiện.

V. DỊCH VỤ DU LỊCH

1. Dịch vụ trải nghiệm

Gói dịch vụ trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc làm bánh, đồ xôi, học tiếng dân tộc, chế tác nhạc cụ… sẽ là hoạt động thú vị dành cho du khách đặc biệt là các bạn học sinh.

2. Dịch vụ sân bãi tổ chức sự kiện, teambuilding

(Sân Quảng trường làng II, Sân khấu Nhà triểm lãm làng III; Sân khấu nổi; sân cỏ Tháp Chăm, đồi Cò A1, đồi thông A2)

Sân khấu lớn, hiện đại, sức chứa hơn 1,500 người; sân khấu nổi hình hoa sen trên mặt nước ấn tượng sức chứa 1,500 người; mặt bằng rộng, bãi cỏ tự nhiên, nhiều cây xanh với sức chứa 4.000 người đảm bảo đường điện, nước, vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự là những điều kiện lý tưởng để tổ chức các sự kiện ngoài trời,teambuilding, gala của công ty, cơ quan và trường học.

3. Dịch vụ cho thuê không gian, mặt bằng

Với chuỗi các nhà dịch vụ, lầu vọng cảnh, hội trường, nhà sàn…là lựa chọn lý tưởng cho các đoàn tổ chức sự kiện, meeting, gala.

4. Dịch vụ lưu trú

– Nhà sàn dân tộc Homestay (Nhà sàn Mường 2, 3; Nhà sàn Thái Đen; Nhà sàn Ê Đê): Cùng tận hưởng những không gian riêng cho mình tại nhà sàn; bên bếp lửa bập bùng, cùng trò chuyện, múa hát với các cô gái Mường, Thái hay những cô gái Ê Đê. Chìm đắm vào giấc ngủ không còn ầm ầm tiếng xe cộ, mà đâu đó văng vẳng tiếng dế, tiếng ếch kêu. Mộc mạc, thân thiện và chu đáo đó là những gì chúng tôi muốn dành cho du khách.

– Nhà dịch vụ làng III: Với sức chứa hàng trăm người, gồm phòng đơn, phòng tập thể, vệ sinh khép kín, đầy đủ bình nóng lạnh, điều hòa và bồn tắm. Khu nhà nằm gọn trong không gian cụm Làng III, hiện lên nổi bật giữa màu xanh của cỏ cây, bên hồ Đồng Mô, ngôi nhà giống như con thuyền lớn neo đậu cho du khách nghỉ ngơi và thư giãn.

– Lều trại: Hãy chọn một không gian yêu thích để gia đình, và bạn bè dừng chân cắm trại, tận hưởng không khí trong lành và hòa mình với thiên nhiên.

5. Dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, xe đạp

Với hệ thống xe điện tiện nghi, cùng đội ngũ lái xe nhiệt tình sẽ cung cấp đến khách du lịch một dịch vụ tiện ích, thân thiện với môi trường. Đồng thời, lựa chọn xe đạp để dạo chơi cũng là một trải nghiệm mới đầy thú vị, giúp du khách cảm nhận không khí trong lành nơi đây, trải nghiệm các trò chơi dân gian, tìm hiểu ẩm thực… của đồng bào các dân tộc.

6. Dịch vụ ẩm thực

Một không gian thưởng thức ẩm thực độc đáo tại nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mường, Mông, Thái,…sẽ là ấn tượng khó quên cho các gia đình, nhóm bạn bè, các đoàn khi đến đây. Hay không gian nhà hàng ven hồ với sức chứa hàng trăm người cùng đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp, tận tình. 

7. Dịch vụ giải khát, bán đồ lưu niệm đặc trưng

Tại các ngôi nhà đồng bào dân tộc sinh sống và các cửa hàng giải khát, quầy lưu niệm là điểm dừng chân cho quý khách nghỉ ngơi, giải khát sau hành trình tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, Quý khách có thể  mang về cho mình những món quà ý nghĩa để tặng người thân và bạn bè với mẫu mã đa dạng, xinh xắn, quà độc đáo như: Bút tre, móc khóa, đồ thủ công mỹ nghệ làm từ nhiều chất liệu khác nhau.

8. Dịch vụ khác:

– Dịch vụ thuyết minh viên: Chuyên nghiệp, thân thiện, nhiệt tình và xinh tươi.

– Dịch vụ lửa trại, bếp nướng, lắp dựng sân khấu, backdrop, âm thanh, bàn ghế.

– Gói dịch vụ giao lưu văn hóa văn nghệ.

VI. VĂN HÓA ẨM THỰC

Đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, nếu du khách có say cảnh, say người thì cũng đừng quên thưởng thức những món ngon ẩm thực của bà con dân tộc nơi đây cũng nhưng món ăn truyền thống, đặc sắc của đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp tại Khu ẩm thực ven hồ.

1. Khâu nhục: Món ăn không thể thiếu ở các dịp lễ Tết, nhà mới, đám cưới… của dân tộc Tày; được làm từ thịt lợn nhưng lại mang cho bạn một hương vị thật khác: thịt mềm nhừ, vàng đượm, ngấm đều các loại gia vị, phần bì giòn ngọt vị mật ong, mỡ ngậy nhưng không ngấy. Món này ăn kèm với xôi, cơm trắng,… đều rất ngon.

2. Lạp sườn: Đặc sản không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày, Mường, Thái, Khơ Mú… bởi vị ngọt béo mà không hề ngấy, với mùi thơm của khói cùng gia vị đặc trưng, đã thuyết phục bao du khách đến Làng ăn một lần nhớ mãi.

3. Thịt gác bếp: Đến với mâm cơm của đồng bào dân tộc Tày, Mông, Mường, Thái… Quý khách sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt gác bếp (còn gọi là thịt xông khói) rất đặc biệt, hương vị đậm, ngọt, cay trên từng thớ thịt.

4. Pa pỉnh tộp (Cá nướng): Nếu ghé thăm bản làng dân tộc Thái nơi đây, Quý khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món cá nướng, với mùi thơm ngọt của cá chín quyện hương nồng từ các gia vị tỏa ra đầy mời gọi.

5. Cỗ lá dân tộc Mường: Là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc Mường. Thịt trong cỗ lá chủ yếu là thịt lợn mán, với đầy đủ các món, được bày trí đẹp mắt; với hương vị đậm đà, chứa đựng sự mộc mạc, chân thành của đồng bào nơi đây.

6. Lợn sữa quay: Quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và gia vị; thịt thơm ngon, vừa chín tới; bì vàng giòn tan, mùi thơm quyến rũ; nước chấm được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.

7. Rau rừng: Quý khách sẽ được thưởng thức những món rau rừng tuyệt ngon khi đến với đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” như: Rau dớn, rau bò khai, măng rừng, hoa ban…

8. Xôi ngũ sắc: Hãy cùng thưởng thức món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc nơi đây, để cảm nhận độ dẻo thơm của hạt nếp, sự lôi cuốn của màu sắc được làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Đây sẽ là một ấn tượng khó quên.

9. Bánh A quát: Chiếc bánh tình yêu của dân tộc Tà Ôi, được làm từ gạo nếp than, gói bằng lá chít chấm gia vị mang hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Bánh trở thành một món quà, món ăn không thể thiếu đối với khách du lịch khi đến với Làng.

10. Rượu ngô, rượu men lá, rượu cần, rượu thuốc bắc: Cùng say bên hương rượu cần, nồng ấm trong men rượu ngô hay hương vị riêng từ rượu men lá cây rừng cùng với đồng bào dân tộc nơi đây.

VII. NHỮNG LƯU Ý KHI QUÝ KHÁCH THAM QUAN LÀNG

Với địa hình rộng, nhà sàn cao, điều kiện thời tiết nắng nóng vào mùa hè, để thuận tiện cho việc di chuyển, Quý khách lưu ý một số vấn đề sau:

– Trang phục nên lựa chọn chất liệu mềm, dễ thấm mồ hôi và đem theo ô,mũ và áo dài tay khi di chuyển tham quan.

– Về giầy, dép nên lựa chọn giầy vải mềm, giầy thể thao để thuận tiện trong việc đi lại.

Nguồn: Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here