Giới thiệu bảo tàng công an nhân dân

491

Bảo tàng Công an nhân dân tại Số 01 Trần Bình Trọng – Hoàn Kiếm – Hà Nội là nơi lưu giữ và bảo quản gần 20.000 hiện vật về lịch sử truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của Công an nhân dân Việt Nam, trong đó, riêng hệ thống trưng bày bảo tàng đã giới thiệu gần 2.000 hiện vật đến với công chúng trong nước và khách quốc tế. Khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ra đời trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, lập nhiều thành tích đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bề dày truyền thống oanh liệt, hào hùng đó của CAND Việt Nam là tài sản vật chất và tinh thần to lớn, vô cùng quý giá của lực lượng CAND và của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc, cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

[mxh]

Xuất phát từ ý nghĩa đó, để ghi nhận công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, lưu giữ lâu dài các hình ảnh, tài liệu, hiện vật lịch sử về lực lượng Công an, để làm tốt công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, phục vụ yêu cầu chính trị trước mắt cũng như lâu dài, việc xây dựng bảo tàng của lực lượng CAND đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị từ nhiều năm.

Ngay từ đầu những năm 1950, ngành Công an đã có những hoạt động mang tính chất bảo tàng: Ngày 10/3/1950, Nha Công an Trung ương đã ra Chỉ thị số 1662; ngày 18/10/1950 ra Chỉ thị số 3371 về “Sưu tầm tài liệu hiện vật phá tề trừ gian, thực hiện CAND”; ngày 3/02/1956, Văn phòng Bộ Công an có Chỉ thị số 378/VP về “Sưu tầm tài liệu hiện vật của bọn gián điệp cài lại và bọn phá hoại hiện hành, đồng thời tổ chức triển lãm phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”. Nhân dịp thành lập ngành Bảo tàng Việt Nam (năm 1959), Đảng đoàn Bộ Công an đã mời chuyên gia bảo tàng Liên Xô (cũ) giúp Bộ Công an xác định phương hướng xây dựng Bảo tàng CAND. Ngày 6/12/1960, Bộ Công an đã ra Chỉ thị số 1442 về “Triển khai công tác bảo tàng, giáo dục truyền thống trong toàn lực lượng”. Chỉ thị xác định: “Bảo tàng CAND là cuốn sách mở, là những bài học tốt về nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ đến học tập một cách có hệ thống và thiết thực”.

Từ năm 1961, Bộ Công an đã bố trí 4 cán bộ chuyên trách thuộc Phòng Bảo tàng – Tổng kết trong Văn phòng Bộ Công an; năm 1962 thuộc Vụ Tổ chức cán bộ; năm 1965 thuộc trường Công an Trung ương.

Ngày 16/6/1967, Bộ Công an có Quyết định số 405-CA/QĐ thành lập Cục Tuyên huấn (nay là Cục Công tác chính trị) trong đó có Phòng Bảo tàng, đánh dấu sự ra đời của Bảo tàng CAND. Từ đây biên chế cán bộ làm công tác bảo tàng đã được tăng lên; hoạt động chuyên môn tập trung vào công tác sưu tầm hiện vật và tổ chức tuyên truyền. Ngày 18/12/1992, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Chỉ thị số 25-CT/BNV về công tác bảo tàng truyền thống trong lực lượng CAND. Trên cơ sở đó, ngày 01/12/1995, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1463-QĐ/BNV (X13) thành lập Bảo tàng CAND trên cơ sở tách Phòng Bảo tàng từ Cục Công tác chính trị thành Bảo tàng CAND trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và quyết định xây dựng Bảo tàng CAND tại số 1 – Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng CAND được khánh thành vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2000) mở cửa phục vụ công chúng trong nước và khách quốc tế đến tham quan. Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng CAND tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất, củng cố tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một bảo tàng chuyên ngành, từng bước hòa nhập với hệ thống bảo tàng cả nước. Các hoạt động của bảo tàng được triển khai đồng bộ trên tất cả các khâu nghiệp vụ. Hiện nay, Bảo tàng CAND được Bộ giao quản lý và sử dụng trên 3.000m2 đất, có hệ thống kho bảo quản hiện vật tương đối hoàn chỉnh với gần 20.000 tài liệu hiện vật, có 19 sưu tập hiện vật, trong đó có 09 sưu tập quý hiếm.

Từ năm 2005, Bảo tàng CAND sáp nhập vào Viện Lịch sử Công an. Cùng với những hoạt động nghiệp vụ theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Bảo tàng CAND còn có chức năng tham mưu giúp Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, lãnh đạo Viện Lịch sử Công an về công tác bảo tồn, bảo tàng; hướng dẫn nghiệp vụ cho các nhà truyền thống và khu di tích lịch sử trong CAND.

Thực hiện Quyết định số 3478/QĐ-X11, ngày 27/4/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bảo tàng CAND (Phòng 5) thuộc Viện Lịch sử Công an. Theo quyết định này, Bảo tàng CAND có trách nhiệm giúp Viện trưởng nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện công tác trưng bày, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, hướng dẫn phục vụ khách tham quan bảo tàng; tổ chức triển lãm chuyên đề, các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống của lực lượng CAND theo chức năng của Bảo tàng.

Bảo tàng CAND có nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về công tác bảo tàng truyền thống, các triển lãm chuyên đề và các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống của lực lượng CAND; thu thập, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống trưng bày của Bảo tàng CAND; tổ chức hướng dẫn, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng CAND; tổ chức triển lãm chuyên đề lịch sử CAND tại Bảo tàng, lưu động hoặc các hình thức giáo dục, tuyên truyền quảng bá khác; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, đề tài về công tác bảo tàng và di tích đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng; quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc nghiệp vụ công tác bảo tàng truyền thống của các bảo tàng, nhà truyền thống và di tích lịch sử trong CAND; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo tàng, truyền thống Công an các đơn vị, địa phương; phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đề xuất các dự án đầu tư, xây dựng bảo tàng, nhà truyền thống trong CAND; hợp tác với hệ thống bảo tàng của Nhà nước và các ngành để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của Bảo tàng CAND.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Bảo tàng CAND và hệ thống Di tích, nhà truyền thống của Công an các đơn vị, địa phương thực sự trở thành những địa chỉ văn hóa CAND, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; phục vụ kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND. Với những đóng góp đó, Bảo tàng CAND đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng I cấp quốc gia (năm 2011).

Bảo tàng CAND giúp Viện trưởng đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Tổng cục thực hiện quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ bảo tàng truyền thống cho Công an các đơn vị, địa phương; xây dựng, tôn tạo và tổ chức phát huy giá trị các khu di tích lịch sử CAND. Đến nay hầu hết Công an các tỉnh, thành phố trưc thuộc Trung ương và các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, vụ, cục trực thuộc Bộ, các trường Công an, hệ thống các trại giam,… đều có hoạt động bảo tàng truyền thống. Hiện trong toàn lực lượng CAND có 73 nhà truyền thống ở Công an các đơn vị, địa phương (không tính các trường CAND, các đơn vị cấp cục thuộc Bộ, cấp phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), 06 khu di tích lịch sử, trong đó có 2 khu thành lập Ban quản lý (Phòng PX25); có trên 200 cán bộ làm công tác bảo tàng truyền thống, di tích, trong đó có 153 cán bộ chuyên trách và quản lý 33.973 tài liệu, hiện vật.

Hiện nay, Bảo tàng CAND có 23 cán bộ, chiến sĩ và gần 10 lao động hợp đồng, gần 100% cán bộ có trình độ đào tạo đại học, trong đó có 05 thạc sĩ và một số đồng chí đang theo học cao học đúng chuyên ngành. Hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý chỉ đạo của Ban Giám đốc (gồm Giám đốc và 3 Phó Giám đốc). Tiểu ban khoa học Bảo tàng làm tư vấn về khoa học và chuyên môn cho lãnh đạo Viện và Giám đốc Bảo tàng.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và Viện Lịch sử Công an giành cho Bảo tàng CAND và các cá nhân xuất sắc của Bảo tàng nhiều phần thưởng cao quý: Nhiều năm liền được công nhận là Đơn vị tiên tiến; Đơn vị Quyết thắng; Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân; 05 lần được Bộ Công an tặng Bằng khen; 01 lần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; 02 lần được Bộ Công an tặng Cờ thi đua và nhiều phần thưởng khác.

Lực lượng CAND Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và lập nhiều thành tích, chiến công to lớn, là lực lượng nòng cốt đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, công tác bảo tàng truyền thống trong CAND cần phải được quan tâm phát triển hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trước mắt cũng như về lâu dài, đủ sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của lực lượng CAND. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Bảo tàng CAND tiếp tục chung sức đồng lòng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.

Nguồn: Bảo tàng Công an nhân dân

[luu_zalo url_zalo=”https://media.zalo.me/detail/652805129734127952?id=9a6a6f5164148d4ad405&pageId=652805129734127952″]

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here