fbpx

Thuyết minh tuyến điểm – Vùng đông nam bộ (P1)

Hình ảnh Thuyết minh tuyến điểm – Vùng đông nam bộ (P1)

LỜI MỞ ĐẦU

Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam có khoảng 7.300 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc khác nhau nằm rải rác ở 53 tỉnh, thành phố.

Điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hoá… đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng du lịch dồi dào. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều rừng, núi với các hang động tuyệt đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ và nhiều lễ hội đặc sắc.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với nhiều bãi tắm nổi tiếng như ở Trà Cổ, Hạ Long, Ðồ Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Ðà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên… Ðặc biệt vùng biển Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Biển Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ðặc biệt những kiến trúc cung đình ở Huế, khu tháp cổ Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới.

Là quốc gia trong vùng nhiệt đới, nhưng Việt Nam có nhiều điểm nghỉ mát vùng núi mang dáng dấp ôn đới như: Sa Pa, Tam Ðảo, Bạch Mã, Bà Nà, Ðà Lạt… Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng tràm chim và sân chim, nhiều khu rừng quốc gia nổi tiếng với những bộ sưu tập phong phú về động thực vật nhiệt đới như: Vườn quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình, Vườn quốc gia Cát Bà ở Hải Phòng, Vườn quốc gia Côn Ðảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu… Trong đó vùng tràm chim Tam Nông (Ðồng Tháp), nơi có chim sếu đầu đỏ sinh sống, trở thành trung tâm thông tin về sếu được tài trợ bởi quỹ quốc tế về bảo tồn chim.

Nguồn nước khoáng thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú như suối khoáng Quang Hanh (Quảng Ninh), suối khoáng Hội Vân (Bình Ðịnh), suối khoáng Vĩnh Hảo (Bình Thuận), suối khoáng Dục Mỹ (Nha Trang), suối khoáng Kim Bôi (Hoà Bình). Những vùng nước khoáng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Với bề dày lịch sử 4.000 năm, Việt Nam còn giữ được nhiều di tích kiến trúc có giá như: Chùa Một Cột, Tháp Phổ Minh, Chùa Tây Phương, Ðình Tây Ðằng và Ðình Chu Quyến, Chùa Keo, Chùa Bút Tháp và Ðình Bảng , Chùa Kim Liên, Tháp Chàm và kiến trúc cung đình Huế. Đây chính là điều kiện, một thế mạnh vô cùng thuận lợi để chúng ta phát triển mạnh ngành du lịch. Đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè khắp mọi nơi trên thế giới

Các tài liệu đi kèm nội dung "Thuyết minh tuyến điểm – Vùng đông nam bộ (P1)"

...

Đây là nội dung độc quyền, để được xem nội dung này, bạn hãy làm theo hướng dẫn sau để lấy mật khẩu nhé.

Bạn vào Google tìm từ khóa và tìm site , sau đó click giúp mình vào kết quả tìm kiếm để lấy password nhé, pass ở cuối bài viết phần Countdown.

Khi lấy được password rồi thì lại quay về đây nhập vào ô "Mật khẩu" ở trên để xem nội dung miễn phí.

I/ NỘI DUNG TUYẾN ĐIỂM VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

1. ĐỊA LÝ

Diện tích: 23.607,7 km².

Dân số:12.067.500 người.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm các tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai, và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Ở nguồn phía Bắc Đông Nam Bộ có: Đồng Xoài, Bù Đăng, Cát Tiên, Tân Phú, Định Quán, Long Khánh có đồi núi cao trên 50m, đất đỏ bazan rất thuận lợi trồng cây công nghiệp dài ngày như: cao su, tiêu, cà phê, điều,… Nguồn đất ở giữa vùng Đông Nam Bộ đa số là đất phù sa cổ cao trung bình từ 10 – 20m so với mực nước biển thích hợp trồng cây công nghiệp ngắn ngày như: thuốc lá, mía, bắp, đậu phụng,… Vùng tiếp giáp với Tây Nam Bộ trồng lúa, nhưng do gần biển nên bị ngập mặn nhiễm phèn như ở Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè,… có thể trồng đước, tràm,…

Khí hậu: có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Sông ngòi: có ba con sông chính: sông Vàm Cỏ Đông (tiếp giáp sông Mê Kông), sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Ba con sông này đều bắt nguồn ở nguồn phía Bắc có lưu lượng nước trung bình khá; trên thượng nguồn người ta đã xây các hồ thủy lợi để điều tiết nước vào mùa khô như Hồ Dầu Tiếng (sông Sài Gòn), Hồ Trị An (sông Đồng Nai). Khi về tới miền đồng bằng thành phố Hồ Chí Minh sông dùng dằn trước khi đổ ra biển (do phù sa bồi đắp dẫn đến tạo nên 33.000 ha rừng ngập mặn Cần Giờ nằm trong 100 vùng sinh quyển của thế giới). Riêng sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt) dài khoảng 500km có giá trị kinh tế quốc phòng bậc nhất của Đông Nam Bộ. Sông Đồng Nai cung cấp nước cho toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, và tạo ra hệ thống cảng quan trọng, nhiều nhà máy thủy điện ra đời như: Đại Ninh (Đức Trọng), thủy điện Đồng Nai 1,2,3 (giáp Đắk Nông), thủy điện Trị An. Sông Đồng Nai có giá trị quốc phòng cao vì nó bắt đầu và kết thúc trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nên chúng ta toàn quyền sử dụng.

Giao thông vận tải: Khá thuận tiện và liên hoàn. Từ thành phố Hồ Chí Minh có thể đi khắp đất nước dễ dàng bằng tất cả các loại hình giao thông. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh: quốc lộ 22; đi Bình Dương, Bình Phước: quốc lộ 13; đi Đồng Nai: quốc lộ 1; đi Vũng Tàu: quốc lộ 51. Thành phố Hồ Chí Minh có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhộn nhịp nhất cả nước và Đông Nam Á.

Tài nguyên du lịch: vùng Đông Nam Bộ có nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Có các tour hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Củ Chi – Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh tour, tour Vũng Tàu, Nam Cát Tiên,… Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hằng năm 70 % lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước (1911). Gắn liền với sự kiện đó, cảng nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là một di tích quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Các di tích Cách mạng khác như địa đạo Củ Chi, hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hoá, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn. Gần đây thành phố đã đầu tư nhiều khu du lịch như Thanh Đa, Bính Quới, nhiều khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Kỳ Hoà, Suối Tiên,… đã thu hút và hấp dẫn du khách. Hiện nay thành phố đang tiến hành tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc cổ, đầu tư cho hệ thống bảo tàng, khôi phục nền văn hoá truyền thống kết hợp với tổ chức các lễ hội, khôi phục văn hoá miệt vườn, làng hoa để phát triển một cách vững chắc ngành du lịch của thành phố. Ngoài ra từ thành phố Hồ Chí Minh có thể dễ dàng đi đến các điểm du lịch khác như rừng ngập mặn Cần Gìơ, địa đạo Củ Chi, tòa thánh Cao Đài, biển Vũng Tàu, Nam Cát Tiên, Đầm Sen, Suối Tiên,…

2) LỊCH SỬ

Từ thời cổ đại (thời kỳ chưa có chữ viết) đây là vùng đất có con người sinh sống cách đây khoảng 10 ngàn năm (tương ứng thời đồ đá mới) các nhà khảo cổ học đã phát hiện ven sông Đồng Nai rất nhiều công cụ ghè, đẽo bằng đá. Hậu duệ của những người cổ đại là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày nay. Ở Long Khánh có di tích mộ cổ Hàng Goòng cách đây 2.500 năm. Đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VI, vùng này thuộc kinh quốc Phù Nam (nhà nước cổ lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ). Đến thế kỷ VII, VIII vùng này trở nên hoang vắng. Từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVII thuộc vương quốc Chân Lạp. Năm 1698, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã lập 2 dinh Phiên Cấn (Tân Bình), Trấn Biên (Biên Hòa) làm 2 đơn vị hành chính đầu tiên của Việt Nam ở Đông Nam Bộ. Bên cạnh người Việt còn có người Hoa đến lập nghiệp. Với ưu thế là buôn bán, người Hoa nắm vai trò chủ đạo và thống lĩnh cả vùng. Năm 1859, Pháp đã chính thức đánh vào Sài Gòn. Năm 1863, chiếm dược 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Năm 1867 chiếm 3 tỉnh miền tây Nam Kỳ. Kéo dài đến gần 100 năm (1954). Người Pháp đã chọn Đông Nam Bộ làm trung tâm người Pháp ở Đông Dương. Quy hoạch Sài Gòn thành đô thị hiện đại như Pari thu nhỏ. Từ năm 1954 đến 1975, Mỹ vào đặt mần móng cho cơ sở hạ tầng Đông Nam Bộ như ngày nay. Từ 1975 đến nay Đông Nam Bộ luôn đi đầu trong cải cách kinh tế và sớm trở thành trung tâm kinh tế lớn cả nước, với cơ sở giáo dục, y tế, giải trí, nghệ thuật nhộn nhịp nhất. Riêng từ năm 1979 đến 1989 các tỉnh biên giới giáp Cambodia phải chịu ảnh hưởng chiến tranh biên giới Tây Ninh.

3) NHÂN VĂN

Có nhiều danh nhân nổi tiếng theo dòng lịch sử như: Nguyễn Hữu Cảnh (khai sinh đất Nam Bộ), Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Gia Định, Tân Gia, cụ Đồ Chiểu, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Văn Diệt (danh nhân chống Pháp), thủ tướng Phan Văn Khải (Củ Chi), chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (Bình Dương). Nghệ thuật thì có: Thanh Kim Huệ, Bảo Quốc (Tây Ninh),..

4) CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Các chuyên đề giới thiệu về các khu Công nghiệp, các lễ hội truyền thống như Núi Bà (Tây Ninh), chùa Thiên Hậu, Ngư Ông (Vũng Tàu), lễ hội trái cây (Suối Tiên), giới thiệu về Người Hoa, Người Chăm, giới thiệu về đạo Cao Đài, đạo Ông Trần (Bà Rịa – Vũng Tàu), giới thiệu về tiềm năng dầu khí (Bà rịa – Vũng Tàu), giới thiệu rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Cát Tiên, chiến khu Đ, Trung ương Cục R, địa đạo Củ Chi,…

II/ TUYẾN ĐIỂM CỤ THỂ

1. TUYẾN CỦ CHI – TÂY NINH

SƠ ĐỒ TUYẾN CỦ CHI – TÂY NINH

Từ thành phố Hồ Chí Minh, dọc theo đường Trường Chinh, đầu tiên chúng ta sẽ đi ngang qua đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc vào năm 1968. Sau đó chúng ta sẽ đi qua công ty dệt may Thành Công, và công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam(VIFON).

Công ty Dệt May Thành Công

Công ty dệt may Thành Công: Địa chỉ trụ sở chính :36 Tây Thạnh – Phường Tây Thạnh – Quận Tân Phú – TP. Hồ Chí Minh. Ngoài việc trở thành nhà sản xuất sản phẩm dệt may hàng đầu khu vực, Thành Công sẽ xây dựng và phát triển công ty trở thành tập đoàn Thành Công trong hoạt động đa ngành. các sản phẩm chính của công ty: sản phẩm vải, xơ sợi, dệt, nhuộm, may, nguyên phụ liệu dệt may.

Công Ty Cổ Phần Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam (VIFON), là đơn vị chế biến thực phẩm ăn liền hàng đầu Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm, xuất khẩu hơn 40 nước trên toàn thế giới. VIFON có năng lực sản xuất lớn, được tọa lạc trên khuôn viên rộng 67.000m2, đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp và lành nghề, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, đã sản xuất ra nhiều chủng loại sản phẩm Mì Ăn Liền, Sản Phẩm Ăn Liền Chế Biến Từ Gạo (Phở, Hủ Tiếu, Bún, Cháo), Sản phẩm Túi Thịt Hầm và các loại Gia Vị đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau của khách hàng.Công ty VIFON không ngừng hiện đại hóa thiết bị và công nghệ, đầu tư mạnh vào nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng quốc tế. Sản phẩm của VIFON đã có mặt rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Mỹ, Úc, Nhật và các nước châu Âu.

Qua hết quận Bình Thạnh chúng ta sẽ đi qua cầu Tham Lương rồi đi qua quận 12.

Quận 12

Quận 12 nằm phía bắc Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí địa lý như sau: Phía Bắc giáp huyện Hóc Môn; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Quận Thủ Đức; phía Nam giáp quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh; phía Tây giáp huyện Bình Tân; xã Bà Điểm. Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống đường bộ với quốc lộ 22 (nay là đường Trường Chinh), xa lộ vành đai ngoài (nay là quốc lộ 1A ), các tỉnh lộ 9, 12, 14, 15, 16, hệ thống các hương lộ này khá dày, Quận 12 có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Quận 12 còn có sông Sài Gòn bao bọc phía đông, là đường giao thông thủy quan trọng. Trong tương lai, nơi đây sẽ có đường sắt chạy qua. Vị trí này, cảnh quan này tạo cho Quận 12 không gian thuận lợi để bố trí các khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại – dịch vụ – du lịch để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tiếp tục chuyến đi, chúng ta sẽ đi qua ngã tư An Sương. Tại ngã tư này nếu rẽ trái thì sẽ tới An Lạc. Ngã tư này là điểm giao cắt giữa xa lộ Đại Hàn với phần cuối đường Trường Chinh. Nối liền viới đường Trường Chinh là quốc lộ 22 hay còn gọi là đường xuyên Á. Đi thêm một đoạn đường nữa các bạn sẽ đi ngang qua con rẽ vào 18 thôn vườn trầu Bà Điểm.

18 thôn vườn trầu

Quê hương Hóc Môn – Bà Điểm đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam bằng tên gọi thân thương: “Mười tám thôn vườn trầu”. Lịch sử “Mười tám thôn vườn trầu” gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 trăm năm. Trầu cau là thổ sản đặc biệt của người Việt Nam, người Viêt Nam có phong tục ăn trầu cau nên nơi nào có người Việt Nam nơi đó có trồng trầu cau. Hiện nay trong quá trình đô thị hóa, toàn huyện chỉ còn xã Bà Điểm giữ lại truyền thống trồng trầu cau.

Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh – Nguyễn phân tranh loạn lạc nên đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Những người nông dân đầu tiên đến đây đã ra sức chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống thú dữ; lao động gian khổ, cật lực, khai phá rừng rậm, bãi hoang để trồng tỉa và chăn nuôi. Chủ yếu họ trồng lúa, khoai và hoa màu, dần dần họ phát triển thành những vườn cây ăn quả. Đặc biệt họ trồng trầu cau thành những mảnh vườn xanh tốt quanh năm. Người nông dân đã lập ra những thôn – ấp, từ 6 thôn đầu tiên dần dần được phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, “Mười tám thôn vườn trầu” đã là nơi dân cư trú mật và là nơi chuyên canh trồng trầu cau nên có tên gọi chung là “Mười tám thôn vườn trầu”.

Đi hết địa phận quận 12 chúng ta sẽ tới huyện Hóc Môn.

Hóc Môn

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn ra lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam và quyết định thành lập chủ Gia Định gồm huyện Phước Long và huyện Tân Bình. Thời điểm 1698, vùng đất phía Nam dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, địa danh “Hóc Môn” lúc đó chưa có tên gọi, là một vùng đất nằm trong huyện Tân Bình, thuộc Phủ Gia Định.

Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh-Nguyễn phân ranh loạn lạc nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu hình thành 06 thôn dần dần phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian địa danh “Hóc Môn” có tên gọi từ đây (hóc hẻm có nhiều cây môn).

Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho cải cách lại các đơn vị hành chánh, đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định. Đến năm 1808, vua Gia Long lại đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành và nâng huyện Tân Bình lên thành Phủ Tân Bình. Phủ Tân Bình có 04 huyện, trong đó có huyện Bình Dương. Lúc đó, vùng đất Hóc Môn ngày nay có tên gọi là huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình của Gia Định Thành, huyện lỵ Bình Dương đóng tại làng Tân Thới Nhì (nay là vùng Trung tâm Thị trấn Hóc Môn).

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi tên Gia Định Thành thành tỉnh Phiên An. Đến năm 1836, lại tiếp tục đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định. Năm 1841, phủ Tân Bình lại tăng thêm 01 huyện là huyện Bình Long (do 01 phần huyện Bình Dương tách ra). Lúc đó, vùng đất Hóc Môn ngày nay có tên gọi là huyện Bình Long thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Năm 1862, thực dân Pháp đã chia lại địa giới hành chính tỉnh Gia Định bao gồm 03 phủ, 41 tổng; huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định. Huyện lỵ Bình Long đóng tại làng Tân Thới Nhì (nay là vùng trung tâm thị trấn Hóc Môn).

Sau cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu (1885), thực dân Pháp chính thức đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn. Quận Hóc Môn giai đoạn 1885-1945 thuộc tỉnh Gia Định là một vùng đất rộng lớn bao gồm 04 tổng: Tổng Long Tuy Thượng, Tổng Long Tuy Hạ, Tổng Long Tuy Trung và Tổng Bình Thạnh Trung nằm trên địa bàn của 03 quận huyện: Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 ngày nay.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Hóc Môn là một trong 4 quận của tỉnh Gia Định (Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè). Đến thời Mỹ- Ngụy chiếm đóng miền Nam (1954-1975), quận Hóc Môn tiếp tục thuộc tỉnh Gia Định. Đối với cách mạng tùy theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trong từng thời điểm, Hóc Môn có nhiều lần tách nhập, thay đổi ranh giới: từ năm 1954 đến cuối năm 1959, quận Hóc Môn bao gồm 03 quận – huyện là: Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 ngày nay; từ năm 1960 đến năm 1961 tách ra thành 02 quận: Hóc Môn và Củ Chi; từ năm 1961 đến năm 1969, Hóc Môn và Gò Vấp sáp nhập lại thành quận Gò Môn; sau đó nhập thêm một số xã của Củ Chi thành lập phân khu Gò Môn, từ năm 1969 đến năm 1972 phân khu Gò Môn tách ra thành 04 quận nhỏ, trong đó Hóc Môn tách thành 02 quận: Đông Môn và Tây Môn; từ năm 1972 đến năm 1975: Đông Môn và Tây Môn nhập lại thành quận Hóc Môn.

Sau ngày thành phố được giải phóng (30/4/1975), Hóc Môn là 01 trong 06 huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 16 xã và 01 thị trấn. Từ ngày 01/4/1997 đến nay do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố, huyện Hóc Môn tách ra 07 xã để thành lập quận 12. Hiện nay, Hóc Môn có 11 xã và 01 thị trấn.

Tiếp tục hành trình, chúg ta sẽ đi qua ngã tư Hóc môn và trước mặt các bạn là tỉnh lộ 9. Rẽ trái theo tỉnh lộ 9 chúng ta sẽ đến với Đức Hoà thuộc Long An, còn nếu rẽ phải thì sẽ đến với chợ Hóc Môn.

Sau khi đi qua cây cầu An Hạ chúng ta sẽ bước vào huyện Củ Chi

Củ Chi

Củ Chi là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Sông Sài Gòn chảy qua địa bàn của huyện. Gồm 1 thị trấn Củ Chi và 20 xã. Huyện Củ Chi có địa đạo Củ Chi nổi tiếng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Củ Chi cũng có Đền tưởng niệm Bến Dược – Củ Chi. Hiện nay địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai khu vực: Bến Dược (thuộc xã Phú Mỹ Hưng), Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức).

Hiện nay, huyện Củ Chi là nơi có nhiều khu công nghiệp. Tại đây cũng có dự án đô thị mới Củ Chi – Hậu Nghĩa rộng 4000 ha đã được phê duyệt và đang được triển khai. Huyện Củ Chi có Đường Xuyên Á nối với Campuchia qua Cửa khẩu kinh tế Mộc Bài của tỉnh Tây Ninh. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Củ Chi được coi là vùng “đất thép”, là căn cứ quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Mỹ đã trút xuống đây 240.000 tấn bom đạn, tổ chức trên 5.000 trận hành quân, bố ráp. Chỉ tính riêng huyện Củ Chi đã có 18.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến, có 10.510 liệt sỹ, 2.314 thương binh, 659 bệnh binh, 769 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8.663 hộ liệt sỹ với 11.256 thân nhân liệt sỹ, 4.395 người có công với cách mạng, 648 người bị tù đày, 86 người bị nhiễm chất độc da cam… Sau năm 1975, huyện Củ Chi được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa cũ và quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương cũ.

Huyện Củ Chi trước đây thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1956 chuyển sang tỉnh Bình Dương. Đến năm 1963 chuyển sang tỉnh Hậu Nghĩa mới thành lập.

Cũng nhìn về phía tay phải là bến xe Củ Chi và đi thêm một đoạn nữa là khu công nghiệp tây bắc Củ Chi. Tiếp tục đi thêm một đoạn đường nữa chúng ta sẽ tới con đường rẽ vào khu di tích địa đạo Củ Chi.

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống địa đạo ở huyện Củ Chi, cách 70 km về phía tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống địa đạo này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép”, nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công Sài Gòn.

Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là “xương sống”, sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí… Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ.

Khu địa đạo Củ Chi (thuộc xã Phú Mỹ Hưng – huyện Củ Chi) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia (theo quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa). Hệ thống địa đạo Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức – căn cứ của Huyện ủy Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến) cũng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

Đến Củ Chi, bạn đừng quên đến đền Bến Dược, ngắm cổng tam quan, nhà văn bia, tháp 9 tầng và ngôi điện chính với kiến trúc truyền thống rất đẹp, hài hòa cùng thiên nhiên.

Đền Bến Dược

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược là một công trình lịch sử văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ .

Đền được khởi công từ ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trên một vùng đất rộng 7 ha trong quần thể của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ngày 19/12/1975 Đền Tưởng niệm khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu đón lớp lớp những đoàn người trong nước và ngoài nước đến tưởng niệm, dâng hương và nghĩ về một lẽ sống còn đã làm nên hồn thiêng dân tộc. Và Thành ủy – Hội đồng Nhân dân – Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn ngày 19/12 hằng năm là ngày lễ hội tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sỹ .

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược gồm có các hạng mục:

Cổng tam quan

Cổng tam quan được kiến trúc theo phong cách cổ truyền của dân tộc với các hàng cột tròn , trên lợp ngói âm dương . Cổng có hoa văn, họa tiết, mái cong của những cổng đình làng nhưng được cách tân bởi những vật liệu mới. Chính giữa cổng tam quan là biển đề : Đền Bến Dược và trên các thân cột là những câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang .

Nhà văn bia

Nhà văn bia là một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m , nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn ( Đà Nẵng ) và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo của dân tộc.

Đền chính

Kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch.

Điện thờ bố trí theo hình chử U: Trung tâm là bàn thờ tổ quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: Vì nước quên mình. Tổ quốcghi công. Đời đời ghi nhớ. Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sỹ khối dân chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sỹ lực lượng võ trang.

Tên liệt sỹ được khắc vào tấm bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 44.520 liệt sỹ được khắc tên trong Đền, gồm có mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng , liệt sỹ, trong đó có 9.322 liệt sỹ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác.

Bên ngoài tường Đền chính là ba bức tranh hoành tráng bằng gốm sứ do Trường Đại học Mỹ thuật thực hiện , thể hiện các nội dung : Dân khai hoang thành lập xứ ; Sức tiếp sức chống xâm lăng ; Nhân dân ta bị đô hộ áp bức & vùng lên đoàn kết đấu tranh thắng lợi.

Tháp

Tháp thể hiện cho sự vươn lên đỉnh cao trong tương lai.

Tháp có 9 tầng cao 39m. Trên vách tháp có nhiều hoa văn, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi Đất thép thành đồng. Tầng cao của tháp để chúng ta ngắm nhìn một phần của vùng căn cứ cách mạng mà địa danh đã đi vào lịch sử vùng Tam giác sắt.

Hoa viên

Từ khu đất đầy hố bom, cằn cỗi do chiến tranh tàn phá, nay Đền đã có một mảng hoa viên mượt mà, tươi đẹp hoa nở quanh năm với nhiều loại cây kiểng quý do nhiều nghệ nhân và các ban ngành gởi tặng. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố và các tỉnh đã trồng lưu niệm nhiều loại cây quý ở hoa viên trước Đền.

Hoa viên phía sau Đền là biểu tượng Hồn thiêng Đất nước, cao 16m, nặng 243 tấn, được làm bằng đá granit đặt giữa vườn hoa mặt hướng ra sông Sài Gòn . Biểu tượng được thể hiện qua hình tượng một giọt nước mắt, khái quát về sự đau thương mất mát của bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu hy sinh để giữ gìn đất nước. Toàn khối biểu tượng hình dung như một bông sen được dôi bàn tay nâng niu

Trên thân biểu tượng chạm khắc một số hình ảnh những sự kiện lịch sử Việt Nam từ thời vua Hùng Vương dựng nước đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.

Tầng hầm

Tầng hầm của Đền có 9 không gian, với chủ đề Sài Gòn Chợ Lớn kiên cường bất khuất, thể hiện lại các sự kiện tiêu biểu trong giai đoạn chiến tranh của quân và dân trong vùng Tam giác sắt nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc và bọn tay sai . Các sự kiện ấy được tái hiện sinh động bằng những bức tranh hoành tráng, tượng, sa bàn, hiện vật, mô hình sân khấu hóa, các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc . . . Ở mỗi không gian thể hiện một nội dung lịch sử.

Không gian thứ nhất: Giặc Pháp xâm lăng, quên mình giữ nước.

Không gian thứ hai: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định.

Không gian thứ ba: Quân dân Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định nổ phát súng đầu tiên , mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quyết tâm bảo vệ nền độc lập.

Không gian thứ tư: Đỉnh cao ba mũi giáp công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định.

Không gian thứ năm: Chiến tranh du kích của nhân dân ngoại thành với Củ Chi đất thép thành đồng.

Không gian thứ sáu: Quân dân ta xuống đường, nổi dậy tiến công trong dịp Tết Mậu Thân.

Không gian thứ bảy: Quân dân Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975.

Không gian thứ tám: Vì nghĩa lớn, lấy thân mình làm đuốc sống.

Không gian thứ chín: Miền Nam đi trước về sau, vì khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược được những nhà kiến trúc, khoa học, sử học, chính trị, kỹ sư xây dựng và những người tâm huyết tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, thoáng đãng mang bản sắc văn hóa Việt một cách tinh tế, dịu dàng như tâm hồn dân tộc Việt.

Tiếp giáp với huyện Củ Chi là tỉnh Tây Ninh.

Tỉnh Tây Ninh

Diện tích: 4.035,45 km2

Dân số TB: 1.047.365 người

Các dân tộc chính: Kinh (98%), còn lại là dân tộc thiểu số (chủ yếu là Khơme, Hoa, Chăm) .

Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ . Phía Tây và Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, là tỉnh chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Pênh vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Tây Ninh có một thị xã (Thị xã Tây Ninh) và 8 huyện. Thị xã Tây Ninh là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh, cách TP. Hồ Chí Minh 99km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 22 và cách thủ đô Hà Nội: 1809 km theo quốc lộ số 1

Sông Sài Gòn: bắt nguồn từ vùng đồi Lộc Ninh (thuộc tỉnh Bình Phước) cao trên 200m chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, làm ranh giới tự nhiên giữa Tây Ninh và 2 tỉnh Bình Phước, Bình Dương.

Trên dòng sông Sài Gòn về phía thượng lưu, công trình thuỷ lợi lớn nhất nước đã được xây dựng là công trình hồ Dầu Tiếng, với dung tích hữu hiệu 1,45 tỷ m3, diện tích mặt nước 27.000 ha (trên địa bàn Tây Ninh 20.000ha) có khả năng tưới cho 175.000ha đất canh tác của Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Long An.

Sông Vàm Cỏ Đông: bắt nguồn từ độ cao 150m ở Campuchia chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài 220km (151km chảy trong địa phận Tây Ninh). Con sông này đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của nhân dân tỉnh Tây Ninh trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Về tài nguyên nhân văn: Tây Ninh được khai phá từ giữa thế kỷ XVII do luồng dân cư từ phía Bắc vào. Đến đầu thế kỷ XIX (1837- Minh Mạng thứ 18), phủ Tây Ninh được thành lập với 2 huyện: Tân Ninh và Quang Hoá. Hiện nay, trên đất Tây Ninh có 26 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc tuy có những phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau nhưng đều có truyền thống chung là sống đoàn kết với cộng đồng, lao động cần cù, chiến đấu chống địch họa, thiên tai dũng cảm, tất cả đã tạo nên cho Tây Ninh một nền văn hoá đa dạng, phong phú và đầy bản sắc.

Ở Tây Ninh có đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Công giáo, đạo Tin Lành, đạo Hồi và một số tôn giáo khác…

Tây Ninh là địa phương giàu truyền thống cách mạng yêu nước, là thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang miền. Ngoài các di tích Trung ương cục Miền Nam, ở Tây Ninh còn nhiều di tích lịch sử khác gắn liền với cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam như di tích căn cứ Bời Lời, chiến khu Dương Minh Châu, địa đạo An Thới và nhiều di tích khác.

Tây Ninh với những cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú; di tích văn hóa, lịch sử độc đáo có tiềm năng to lớn phát triển du lịch: Tòa Thánh Tây Ninh, núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, khu căn cứ Trung Ương Cục Miền Nam, các Chùa cổ Bình Thạnh, An Thạnh tiêu biểu cho nền văn hóa Óc eo…

Chúng ta sẽ đi qua huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh

Trảng Bàng

Trảng Bàng là một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Tây Ninh. Diện tích:334.61 km, Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Phía Tây giáp vương quốc Campuchia, Phía Nam giáp tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh, Phía Bắc giáp huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu. Huyện nằm trên tuyến quốc lộ nối thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh của Campuchia, hiện đã thành lập được khu công nghiệp Trảng Bàng và khu chế xuất Linh Trung III, thu hút số lượng lớn nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh khác. Món ăn nổi tiếng: bánh canh Trảng Bàng và bánh tráng Trảng Bàng được khá nhiều du khách thập phương yêu thích.Đặc biệt là món bánh tráng phơi sương .Trước khi ăn, vào buổi tối, khi nhìn thấy những chậu kiểng ươn ướt man mát hơi sương, người ta đem các vỉ bánh ra phơi độ một, hai phút để hơi sương thấm vào bánh, làm cho bánh có thêm tinh lực của đất trời.

Ngay đầu huyện là con đường đi vào khu chế xuất Linh Trung II nằm về bên trái của quốc lộ. cách đó không xa về bên phải là con đường dẫn vào địa đạo An Thới. trong chuyến đi này các bạn đừng bỏ lở dịp thưởng thức món bánh canh Trảng Bàng. Chúng ta sẽ đi ngang qua quán bánh canh Hoàng Ninh, tai đây bạn sẽ được thưởng thức món bánh canh mà rất nhiều khách du lich đến đây đã rất thích ăn. Gần cuối của huyện Trảng Bàng có một con đường dẫn các bạn vào khu chế xuất Trảng Bàng và Tha La xóm đạo.

Đi hết huyện Trảng Bàng chúng ta sẽ đến với huyện Gò Dầu trên quốc lộ 22B. Đến với huyện Gò Dầu các bạn sẽ được tới cửa khẩu Mộc Bài và siêu thị miễn thuế. chạy theo quốc lộ 22A các bạn sẽ đến đựơc hai đia điểm trên.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cách thành phố Hồ Chí Minh 73 km và cách Nông Pênh 170 km. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giao thương, buôn bán của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long, và vùng Tây Nguyên với Campuchia. Với diện tích gần 22.000 ha, trải dài trên 2 huyện Trảng Bàng và Bến Cầu, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch phát triển thành 4 phân khu chức năng, bao gồm khu các cụm công nghiệp (405 ha), khu dịch vụ thương mại (152 ha), khu dân cư đô thị (286 ha) và khu du lịch sinh thái (143 ha).

Chay dọc theo quốc lộ 22B, chúng ta sẽ đi ngang qua bến xe Gò Dầu, chợ Thạnh Đức, nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh, uỷ ban xã Thạch Đức. Tại xã Thạch Đức có cây vạn tuế 700 năm tuổi. và cuối cùng chhúng ta sẽ đi qua chợ Cẩm Giang để đến với huyện Hoà Thành. Chúng ta sẽ đi ngang qua ngã 3 Giang Tân. Nếu rẽ tại ngã 3 này chúng ta sẽ đến với chợ Long Hoa. Chạy tiếp trên quốc lộ 22B chúng ta tiếp tục đi qua thêm một ngã 3 nữa, một ngã 3 co cái tên khá độc đáo, đó là ngã 3 Mít Một trước khi đi vào thị xã Tây Ninh. Tại đây chúng ta sẽ đi thăm một số nơi như: Núi Bà Đen, toà thánh Cao Đài, Trung Ương Cục Miền Nam, hồ Dầu Tiếng, cửa khẩu Xa Mát, chùa Gò Kén.

Quần thể di tích Núi Bà

Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Trước đây vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).

Truyền thuyết Bà Đen

Tương truyền rằng vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên cao trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh ngày nay) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật (bà đen) và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể cô được đem về mai táng, phụng thờ. Tin này lan rộng ra, và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây.

Có hai con đường lên đỉnh núi : Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, khó đi. Một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi. Trên đỉnh núi khí hậu mát mẻ, ban đêm rất lạnh, không có dịch vụ chỉ có bán hai thứ là nước khoáng và mì tôm . Một người khỏe mạnh mất từ 2h-4h để leo tới đỉnh. Ngày nay, đã có cáp treo làm phương tiện để lên núi.

NÚI BÀ ĐEN

Núi Bà Đen ở Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh 110 km. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ. Từ xa nhìn núi Bà Đen như một chiếc nón lá úp trên đồng bằng. Đây là ngọn núi cao nhất ở nam bộ.Núi Bà Đen còn gọi là núi Điện Bà, còn có tên là Vân Sơn, vì thường có mây phủ. Và còn có tên là núi Một.

Đường lên đỉnh núi quanh co, có rất nhiều cảnh trí do thiên nhiên tạo ra. Lên trên cao, hướng về phía đông nam là ngọn núi Cậu. Hướng về phía tây bắc là ngọn núi Heo và núi Phụng.

Tại Bà Đen có ba khu triển lãm bảo tàng được hình thành. Đó là động Kim Quang, khu chùa Hang và Chân Núi. Các khu này giới thiệu một phần hiện vật và hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng trước đây.

Ngày trước Mỹ xây dựng trên đỉnh núi một trung tâm thông tin siêu tần số, diện tích 40.000 m2, và một đài quan sát nhìn thấu vào căn cứ cách mạng của ta.

Tòa thánh Tây Ninh

Tòa Thánh Tây Ninh còn được gọi là Đền Thánh, là Tổ Đình, là Tòa Thánh Trung Ương của Đạo Cao Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh khoảng 5 Km về hướng Đông Nam, thuộc Miền Nam nước ta.

Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh.

Tòa Thánh được khởi công xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi), hoàn thành vào năm 1947 (Đinh Hợi), và được khánh thành vào dịp Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi (dl 1-2-1955).

Tòa Thánh được cất theo kiểu vở của Thiên đình, quay mặt về hướng Tây, có kích thước theo dự tính ban đầu của Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch là :

  1. Bề dài : 135 mét.
  2. Bề ngang : 27 mét.
  3. Bề cao tại Lầu chuông và Lầu trống : 36 mét.
  4. Bề cao tại Nghinh Phong Đài : 25 mét.
  5. Bề cao tại Bát Quái Đài : 30 mét.

Việc chọn đất Thánh địa làm nơi xây dựng Tòa Thánh và kiểu vở xây cất Tòa Thánh đều do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ dạy tỉ mỉ.

Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 tại Tây Ninh do một số người đứng ra thành lập, mà đứng đầu là ông Phạm Công Tắc.

Biểu tượng của đạo Cao Đài là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn họ còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm…

Bắt đầu khởi công năm 1933. Năm 1947 thì hoàn thành công việc xây dựng. Nhưng mãi đến năm 1955 mới khánh thành. Nội ô của tòa thánh rộng 1 km2, trong đó còn có đền thờ Phật mẫu, có vườn kiểng đoàn kết, có rừng thiên nhiên. Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hiệp thiên dài (hai lầu chuông và trống) cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m. Cửa chính của tòa thánh quay mặt về phía tây.

Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh đỏ, trắng rất sặc sỡ. Trên trần được ngăn ra làm 9 khoảng có hình bầu trời đầy mây và sao. Khu chính diện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả dịa cầu)

Ngày nay, khách đến thăm tòa thánh còn được thấy nhiều công trình văn hóa của Tây Ninh phát triển từ sau ngày giải phóng, nằm trong khu vực Tòa Thánh.

Trung Ương Miền Nam

Nằm cách thị xã Tây Ninh 64 km, từ năm 1962 – khu vực rộng 70 ha sát biên giới này là căn cứ Trung ương cục – gọi tắt là R: Bộ phận đầu não chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam. Từ cửa khẩu Sa Mát, con đường nhỏ rải nhựa len lỏi giữa rừng nhiệt đới luôn đầy ắp hương rừng.

Rừng ở đây có các loại như: tếch, căm xe, gõ, trắc, đinh hương, bằng lăng, k’nia (cày)… nhưng nhiều nhất là họ Dầu. Thấp thoáng dưới tán cây là những căn nhà đơn sơ lợp lá trung quân. Lá được hái lúc còn xanh, gập đôi đan thành tấm lợp, vừa nhẹ vừa mát. Ðặc biệt lá trung quân gặp lửa là tự ngún chứ không cháy lan. Men theo những con đường là nhà làm việc của các cán bộ lãnh đạo R. Những mái nhà đơn sơ là những tên tuổi đã đi vào lịch sử cách mạng: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Ðáng, Trần Nam Trung, Phạm Thái Bường… Vật dụng trong nhà giản dị với chõng tre; với những súc gỗ cưa tròn: nhỏ làm ghế, lớn làm bàn; với tủ và kệ bằng ván… Tất cả đều là sản vật của rừng dâng tặng. Dưới nền nhà là những căn hầm kiên cố được nối kết bởi hệ thống giao thông hào dài hàng chục km. Cạnh nhà vô số hố bom. Có hố sâu 5- 7 m, rộng 15 – 20 m được sử dụng như những ao cá nhỏ.

Trong chương trìnhxuyên suốt tour này chúng ta sẽ thăm Hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng

Cách thị xã Tây Ninh 20km là điểm du lịch nằm tuyến liên hoàn giữa thị xã Tây Ninh – Tòa thánh Tây Ninh – núi Bà Ðen. Hồ có diện tích 27.000 ha, có sức chứa 1,5 tỷ m3 nước tưới cho đồng ruộng tỉnh và các tỉnh lân cận. Hồ Dầu Tiếng với khoảng không gian rộng lớn, sơn thủy hoà quyện, các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, không khí trong lành, thoáng mát sẽ tạo cho du khách cảm giác thoải mái trong một chuyến du lịch. Ðến nơi đây, quý khách còn được thưởng thức các món ăn thủy sản của địa phương.

Tài liệu thuyết minh du lịch ❤️

Trường hợp phát hiện ra nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng comment xuống bên dưới để chúng tôi sửa. Nếu bạn muốn đăng tải bài thuyết minh của riêng mình lên website hãy gửi vào email linhnaedu@gmail.com cho chúng tôi. Cảm ơn sự đóng góp của bạn!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bạn có thể bấm vào nút để chuyển sang Zalo hoặc liên hệ theo số 0981 055 166

Để được tư vấn về chương trình

3864

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và chat trên điện thoại

Bấm để chat với 0981055166

Một email chứa nội dung bài viết này sẽ được gửi cho bạn hoặc ai đó do bạn chỉ định

Tiêu đề:

Email:

GỬI BÀI VIẾT NÀY QUA EMAIL ĐỂ CÓ THỂ XEM LẠI BẤT CỨ LÚC NÀO

Scroll to Top