Giới thiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

1064

Sứ mệnh

Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thành lập ngày 24 tháng 6 năm 1966, sứ mệnh của Bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tu sửa, phục chế, trưng bày, giáo dục, truyền thông và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của nước nhà tới công chúng trong và ngoài nước.

Lịch sử hình thành

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam toạ lạc tại địa chỉ 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bảo tàng thu hút một số lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài không chỉ bởi chất lượng của các sưu tập hiệu vật, mà còn ở cả phần kiến trúc nghệ thuật và tòa nhà lịch sử.

Bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nguyên là nơi ăn ở cho con gái các quan chức Pháp trên toàn Đông Dương về học tại Hà Nội.

[mxh]

Năm 1962, Nhà nước giao ngôi nhà cho Bộ Văn hoá để sửa sang thành nơi sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị của Việt nam từ thời Tiền sử cho đến ngày nay.

Từ một ngôi nhà có kiến trúc kiểu châu Âu, toà nhà đã được cải tạo mang nhiều nét kiến trúc Việt Nam, phù hợp với chức năng một bảo tàng mỹ thuật.

Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan. Diện tích toàn bộ khuôn viên Bảo tàng đến nay khoảng 4.737m2 trong đó diện tích trưng bày trên 3.000m2. Bên cạnh không gian trưng bày thường xuyên, Bảo tàng có không gian Trưng bày chuyên đề, Không gian sáng tạo cho trẻ em và Không gian ẩm thực và đồ uống. Ngoài trụ sở chính tại đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng còn có cơ sở 2 tại Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa (Hà Nội) với một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật, cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Nghiên cứu, Sưu tầm

Nghiên cứu, Sưu tầm là một trong những hoạt động trọng tâm nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hơn 50 năm qua, Bảo tàng đã có nhiều công trình nghiên cứu mỹ thuật có giá trị, đặc biệt là các công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ đại và mỹ thuật cận-hiện đại, làm cơ sở cho việc sưu tầm hiện vật và xây dựng nội dung trưng bày Bảo tàng những ngày đầu thành lập. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về mỹ thuật và bảo tàng học. Các công trình nghiên cứu và hội thảo khoa học đã góp phần xây dựng một hệ thống lý thuyết và tư liệu quý, làm cơ sở lý luận phục vụ các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng.

Công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật được các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi được thành lập, Bảo tàng đã tổ chức các cuộc điền dã tại các di tích của nhiều địa phương trong cả nước để sưu tầm bổ sung thêm hiện vật mỹ thuật cổ; đi sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa, đồ họa tại các cuộc triển lãm mỹ thuật và từ các bộ sưu tập của cá nhân, của các họa sĩ, nhà điêu khắc để bổ sung cho mỹ thuật cận-hiện đại, đương đại.

Với sự cố gắng và nỗ lực, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được một khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh được cơ bản lịch sử phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam, một nền mỹ thuật lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt là bộ sưu tập của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương có một chỗ đứng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền Mỹ thuật Việt Nam.

Trưng bày

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan và có thể giới thiệu số lượng hiện vật sưu tầm ngày càng nhiều, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở rộng diện tích trưng bày (từ 1.000m2 lúc ban đầu đến nay đã có 3.000m2). Trong hai thập niên 70-80 của thế kỷ 20, Bảo tàng xây dựng thêm khu nhà B (1977). Vào thập niên 90, Bảo tàng mở rộng thêm diện tích khu vực nhà A (tòa nhà chính) về phía sau nhằm thực hiện một hướng trưng bày mới, theo đó ưu tiên phần trưng bày Mỹ thuật Cổ đại. Các tác phẩm mỹ thuật tạo hình cận-hiện đại được trưng bày một cách trang trọng, khoa học, gây ấn tượng, phản ánh được một giai đoạn phát triển rực rỡ của thế hệ các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương và những giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục mở rộng, khai thác các diện tích còn trống như sử dụng tầng hầm nhà B để trưng bày sưu tập gốm.

Đến nay, Bảo tàng giới thiệu gần 3.000 hiện vật tại hệ thống trưng bày thường xuyên. Hiện vật trưng bày tăng lên về cả số lượng và chất lượng; giải pháp trưng bày khoa học, hợp lý, hấp dẫn; hệ thống chú thích rõ ràng; hệ thống ánh sáng hiện đại v.v… đáp ứng được yêu cầu của một Bảo tàng hiện đại và nhu cầu của khách tham quan. Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, hằng năm, Bảo tàng tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương trong cả nước và các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào v.v… Thêm vào đó, nhiều triển lãm của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài diễn ra tại Bảo tàng, tạo một sân chơi cho giới mỹ thuật.

Giáo dục

Trong những năm gần đây, công tác thuyết minh, hướng dẫn khách và công tác giáo dục của Bảo tàng được đặc biệt quan tâm và đi vào hoạt động có hiệu quả. Công chúng trong và ngoài nước đến với Bảo tàng ngày càng đông. Bảo tàng đã xây dựng được nhiều chương trình tham quan theo các chủ đề đa dạng nhằm phục vụ du khách, nhất là các tour du lịch.

Không gian sáng tạo cho trẻ em

Năm 2011, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương “Không gian sáng tạo cho trẻ em”.

Với thiết kế không gian mang tính mở, công năng sử dụng linh hoạt, đảm bảo tính hấp dẫn, phù hợp tính cách, tâm lý lứa tuổi, nội dung hoạt động tại “Không gian sáng tạo cho trẻ em” hướng đến mục đích cụ thể sau:

  • Làm giàu thêm kiến thức nhà trường thông qua các hoạt động khám phá, cảm thụ và trải nghiệm nghệ thuật trên cơ sở khai thác giá trị hiện vật trong sưu tập của Bảo tàng như: hội họa, điêu khắc, mỹ thuật dân gian, gốm…
  • Bổ sung kiến thức cơ bản về mỹ thuật (màu sắc, hình khối, bố cục, chất liệu, loại hình nghệ thuật, tác giả, tác phẩm…) thông qua nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng các hộp khám phá, các tour tham quan có hướng dẫn theo nội dung; các hoạt động theo chủ đề; tổ chức nói chuyện chuyên đề học thuật cho từng đối tượng, các workshop thực hành trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật…
  • Tổ chức trưng bày sản phẩm nghệ thuật được chọn lựa từ các hoạt động giáo dục tại không gian này.
  • Kết nối các hoạt động ở đây với các trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề.

Dịch vụ trải nghiệm dành cho trẻ em tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao gồm:

  • Chương trình trải nghiệm hằng ngày
  • Chương trình trải nghiệm đặc biệt
  • Chương trình Hè
  • Chương trình Tết thiếu nhi 1/6
  • Chương trình Tết Trung thu

Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

[luu_zalo url_zalo=”https://media.zalo.me/detail/652805129734127952?id=24617c5a771f9e41c70e&pageId=652805129734127952″]

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here