Giới thiệu về chùa Trăm Gian

1328

Chùa Trăm Gian được coi là di sản kiến trúc Phật giáo của Việt Nam. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Tiên Lữ, là một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế

Chùa nằm trên núi Sở có hình con ngựa, cạnh đó có núi So hình con hổ, các gò đồi xung quanh có các tên là con Mộc, con Hỏa, con Long… Tất cả đã tạo cảnh quan văn hóa hội xuân chơi núi, chơi hang. Chùa trải rộng trên quả đồi, hướng nam, song cổng mở đầu là hướng đông – nam giáp đường đi, tiện cho du khách thăm chùa. Xa xa về phía Quốc Oai là dãy núi đá Sài Sơn. Các dãy núi đất núi đá này đều có chùa to tô điểm cho cảnh đẹp. Đó chính là không gian lý tưởng của các hội xuân để nhân dân vãng cảnh, du xuân như câu ca dao địa phương: Vui từ So, Sở vui ra chùa Thày.

Cũng giống như chùa Bối Khê ở Thanh Oai, chùa Trăm Gian thuộc mô tip chùa tiền Phật hậu Thánh (trước thờ Phật sau thờ Thánh).Tục truyền rằng: Đức thánh Nguyễn Bình An quê ở Bối Khê (Thanh Oai), Vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang, sinh ra đứa con trai. Năm lên 9 tuổi, sau khi bố mẹ mất, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi thì đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương thấy cảnh đẹp, người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.

Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, ngài ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim thân từ tỏa mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân Bối Khê cũng lên rước thi hài Người về quê nhưng không được, đến ngày 12 bèn xin duệ hiện và rước bát nhang về thờ vọng, từ đó dẫn đến việc kết chạ giữa hai dân Bối Khê – Tiên Lữ. Dân làng Tiên Lữ và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.

Theo các tư liệu còn lại thì chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 (1185).

Diện mạo chùa Trăm Gian như hiện nay đã được trùng tu và xây dựng thêm qua nhiều thời đại. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một “gian” thì chùa có cả thảy 104 gian, chia thành 3 cụm kiến trúc chính:

Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.

Qua mấy trăm bậc gạch xây là tới cụm thứ hai gồm một toà Gác chuông 2 tầng mái, có lan can chạy quây 4 mặt được dựng vào năm Quý Dậu 1693, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông, là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Tại đây treo một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794). Qua gác chuông, leo 25 bậc đá xanh hình rồng mây, đến sân trên có kê một sập đá hình chữ nhật.

Qua tiếp 9 bậc đá, hai bên có lan can chạm hình rồng cuộn khúc là tới chùa chính, gồm nhà Bái đường, toà Thiêu hương và Thượng điện. Hai bên là 2 dãy hành lang, trong cùng là nhà Tổ. Khoảng sân sau Thượng điện có tòa Phương đình treo cả trống và khánh đồng (đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).

Chùa có hơn 150 pho tượng, phần lớn bằng gỗ, một ít đắp bằng đất. Đặc biệt ở gian giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật. Trên là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Garuda. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệ này có niên đại thời Mạc. Ở gian bên trái, phía dưới tượng Quan Âm tống tử, là tượng đô đốc Đặng Tiến Đông – một tướng lĩnh Tây Sơn mà sự tích được ghi lại trên khối bia vuông bốn mặt đặt ở bái đường. Bài minh trên bia do Phan Huy Ích soạn và Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. Đây chỉ là một bản sao năm 1927, chép lại từ bài bia soạn năm 1794.

Gian bên phải là khám thờ “đức Thánh Bối” Nguyễn Bình An, vị thánh đã được thờ ở chùa Bối Khê. Tượng thánh làm bằng mây đan ngoài bọc vải phủ sơn.

Bộ Thập bát La-hán và bộ Thập Điện Minh Vương là những tác phẩm nghệ thuật bằng phù điêu gỗ sơn.

Trong khuôn viên chùa, rải rác trên núi Tiên Lữ hiện còn một số ngôi tháp cổ, trong đó có các tháp còn gắn bia gồm:

– Tháp Từ Huệ của Tỳ kheo ni Như Bích, quê ở huyện Từ Liêm, nổi danh từ nhỏ, nhưng không thích văn chương Nho giáo mà thích học kinh sách Phật, ngộ lý “Sắc không” và pháp môn “Bất nhị”, tu hành theo chính pháp.

Tháp được lập vào tháng Chạp năm Kỷ Hợi, niên hiệu cảnh Hưng thứ 16 (cuối năm 1755, đầu năm 1756).

– Tháp Viên Dung của Sa di ni Tính Côn, người huyện Gia Định, tháp được lập vào năm Nhâm Thìn, niên hiệu cảnh Hưng 33 (1772).

– Tháp của Tỳ kheo ni Diệu sử, hiệu Giới sử, người làng Bối Khê, bẩm tính từ hòa, tâm ngộ đạo đức.

Với những giá trị cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Trăm Gian đã nức tiếng khắp vùng qua câu ca:

Đình So, quán Giá, chùa Thầy,

Đẹp thì có đẹp, chưa tày Trăm Gian.

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here