Giới thiệu về đình Tây Đằng

0
1804

Đình Tây Đằng là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất của văn hóa xứ Đoài, có niên đại thế kỷ XVI.ơng (Chèm), Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình thờ đức Thánh làng Chèm.

Đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế

1. Về vị thần được thờ

Đình Tây Đằng thờ Tam vị Thánh Tản (Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh) làm Thành hoàng làng, mang tư cách như những anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc đánh thắng giặc nước và giặc ngoại xâm.

Sự tích Thánh Tản có thể tóm lược như sau:

Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở động Lăng Xương, huyện Thanh Uyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây có hai anh em họ Nguyễn. Em là Nguyễn Ban lấy vợ là Tạ Thị Hoan. Anh là Nguyễn Cao Hạnh, vợ là Đinh Thị Điên. Cả hai anh em đều là con nhà dòng dõi, phong lưu, đức độ, tuổi đã cao vẫn chưa có con nối dõi. Vào ngày giỗ tổ tiên, hai anh em cùng đi chơi núi, gặp một cụ già dáng vẻ tiên ông liền cúi lạy tạ và xin được ban phúc. Theo lời cụ già, hai anh em họ Nguyễn làm lễ cầu đảo, quả nhiên điềm lành ứng nghiệm. Bà họ Tạ mang thai sinh ra hai người con trai diện mạo khôi ngô, phong thư kì dị đặt tên là Sùng Công và Hiển Công. Năm đó ông anh Nguyễn Cao Hạnh cũng sinh được một người con trai thần phong tuấn tú, tính cách hiên ngang đặt tên là Nguyễn Tuấn (Tuấn Công). Đến năm 13 tuổi, cha mẹ tìm thầy dạy học cho 3 anh em, mới được vài năm đã tinh thông kinh sử, văn chương không ai sánh bằng. Năm họ 17 tuổi, cha mẹ hai bên đều qua đời, đến khi đoạn tang, gia đình khánh kiệt, ba anh em bèn cùng nhau đến núi Ngọc Tản (núi Ba Vì) làm con nuôi cho bà Ma Thị Cao Sơn.

Một ngày, Tuấn Công gặp được Sơn Tinh đại thần, tên gọi là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Sơn Tướng, được thần ban cây gậy thiêng để cứu nhân gian và báo đáp ơn sâu cha mẹ.Tuấn Công nhận gậy thần và lời niệm chú trở về núi Tản Viên, từ đó xưng là Thần Sư. Nhờ có cây gậy thần linh nghiệm mà Thần Sư có thể điều khiển được muôn loài hổ báo. Tại bãi Trung Đô thuộc Ma Xá (còn có tên là bãi Trường Sa) Thần Sư đã cứu con trai Long Vương ở Hồ Động Đình (trong hình hài một con rắn), sau được Đế Quân tặng quyển sách ước.

Trở về động Lăng Xương, Thần Sư báo hiếu mẹ nuôi là bà Ma Thị bằng cách lấy sách thần, đọc thần chú cho tiền vàng trên trời rơi xuống, lượm đem về dâng lên mẹ nuôi. Vì sự hiếu thảo của những đứa con, bà Ma Thị lập chúc thư giao hết núi sông, điền địa cho Tuấn Công hiệu là Tản Viên Sơn Thánh, Sùng Công ở Non Sơn hiệu là Tả Kiên Thần, Hiển Công ở Lãng Sơn hiệu là Hữu Kiên Thần.

Bấy giờ, vào cuối đời Hùng Vương, Duệ Vương xuống chiếu cầu hiền tài để nhường ngôi báu và gả công chúa Mỵ Nương cho. Nhờ có gậy thần và quyển sách ước Sơn Thánh có phép thuật thần tiên chiến thắng Thuỷ Tinh, đẩy lùi được lũ lụt tai ương do Thủy Tinh gây ra.

Khi nhà Thục đem quân đến đánh, Hùng Duệ Vương lệnh cho Sơn Thánh, Sùng Công và Hiển Công đem quân đi đánh. Khải hoàn trở về, Hùng Duệ Vương phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thần, Sùng Công làm Cao Sơn Đại Vương, Hiển Công làm Quí Minh Đại Vương.

Sau đó, Tản Viên Sơn Thánh đi khắp mọi miền giúp dân trồng dâu, đánh cá, mở mang ruộng vườn… Biết vận nhà Hùng đã hết, Tản Viên đã khuyên Hùng Vương nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Sau đó, Duệ Vương đã cùng Thánh Tản và Ngọc Hoa bay về trời, vượt khỏi vòng sinh hóa. Cảm công đức của Thần, Thục An Dương Vương đã xây đền thờ Quốc Tổ trên núi Nghĩa Lĩnh và cho phép những vùng xung quanh chân núi Tản Viên được lập đình miếu thờ tự mãi mãi Tản Viên Sơn Thánh.

Đến thời Đông Hán, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại Tô Định. Hai chị em đến cầu đảo Tam Vị Thánh Tản, sau đó đã đuổi được giặc. Trưng Trắc lên ngôi đã phong cho 3 vị là:

Cao Sơn Hiển Ứng Hộ Quốc Đại vương;

Quí Minh Khang Dụ Linh Ứng Đại vương;

Tản Viên Sơn Quốc Chúa Đại vương Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng thần.

Trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần…, mọi việc cầu đảo đều linh ứng, các thần đều được gia phong mỹ tự.

Về lịch sử của thần Cao Sơn, có nhiều truyền tích và ghi chép khác nhau, song nổi trội là truyền tích kể rằng: Thần Cao Sơn là con Lạc Long Quân và bà Âu Cơ và là một trong 50 người con theo cha lên núi, sau đó Cao Sơn trở thành thuộc tướng thân cận của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên), đã cùng Sơn Tinh đánh lại Thuỷ Tinh và thủ lĩnh của tộc người Âu khi họ tấn công vào nước Văn Lang. Do có công với nước nên về sau Cao Sơn được thờ là vị thần thứ hai trong đền núi Tản. Sang thời Lê, thần Cao Sơn đã có tên gọi cùng quê quán cụ thể. Đa số các truyền thuyết cho rằng Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền và em ruột là Nguyễn Sùng (tức thần Quí Minh), là bộ tướng thời Vua Hùng là con chú con bác với Sơn Tinh. Khi Thuỷ Tinh đem quân đi đánh Sơn Tinh và tộc Âu vây đánh nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, thần Cao Sơn đã có công lớn cùng với Sơn Tinh chiến thắng thuỷ tặc, bảo vệ nhà nước Văn Lang. Thần Cao Sơn được tôn vinh làm Thăng Long trấn, một trong bốn vị thần bảo hộ cho kinh thành Thăng Long của nước ta.

2. Quá trình xây dựng

Căn cứ vào dấu vết kiến trúc và nghệ thuật trang trí hiện còn ở Đình Tây Đằng có niên đại khởi dựng vào thế kỷ XVI (Hà Văn Tấn, Vũ Tam Lang, Trần Lâm Biền) . Kết quả kiểm tra bằng phương pháp C14 cũng đã cho biết niên đại đình cách ngày nay khoảng 500 năm. Như vậy, có thể kết luận, Đình Tây Đằng được khởi dựng vào thế kỷ XVI – thời Mạc (1527 – 1592).

3. Những lần trùng tu sửa chữa:

– Sau thế kỷ XVI, đình đã được tu sửa, dấu vết hiện còn lưu lại như trên các đầu bẩy, kẻ góc, các mộng…

– Thế kỷ XIX, Đại đình được dựng thêm một hàng cột đỡ đầu bẩy bằng gỗ lim.

– Năm 1860 (Canh Thân), đình được dựng thêm 2 nhà tả hữu mạc. Tiếp sau đó mới dựng Nghi môn “Tứ trụ”.

– Năm 1948, sàn đình bị dỡ, tới nay chỉ còn dấu vết mộng của dầm sàn gỗ và lan can bao quanh trên nhiều thân cột.

– Năm 1979, Đình Tây Đằng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư tu bổ, tôn tạo, gồm các hạng mục:

+ Thay một số chân tảng đá ong bằng các chân tảng đá xanh (dưới vuông, trên tròn). Thay nền đất nện bằng gạch Bát Tràng.

+ Xử lý, thay thế, vá sửa các bộ phận kết cấu gỗ mít của công trình bằng gỗ lim. Thay toàn bộ hệ thống kết cấu gỗ của mái. Lợp lại ngói. Dỡ bỏ kết cấu tường bao quanh đình ở phía Tây và Bắc, bỏ trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” trên mái bờ nóc, làm lại các con giống bằng đất nung trên mái.

+ Chuyển hai tòa tả – hữu mạc sang mỗi bên 5,5m và về phía trước 3,5m để mở rộng chiều ngang sân đình, dỡ bỏ tường rào ngăn cách sân đình với không gian trước hồ (giữ lại trụ cổng). Bỏ cây trồng trên sân đình, tổ chức lại vườn sau đình, xây dựng ở phía Đông một vườn hoa nhỏ, thảm cỏ và cây cối…

– Năm 2002 – 2004, tổng thể các hạng mục kiến trúc Đình Tây Đằng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư tu bổ, tôn tạo, bao gồm:

+ Giai đoạn 1: tu bổ, tôn tạo tòa Đại đình.

+ Giai đoạn 2: tu bổ, tôn tạo Tả – Hữu vu, Nghi môn, Giếng cổ, Sân vườn, Hồ nước, Bãi đỗ xe, Nhà bảo vệ, Hệ thống thoát nước, chiếu sáng, mối mọt.

4. Cảnh quan, kiến trúc

Đình Tây Đằng nằm trên một khu đất đẹp, cao ráo giữa trung tâm của làng Tây Đằng, tựa lưng phía sau là khu cư trú của thôn Đông, phía trước hướng về núi Ba Vì (Tản Viên) hùng vĩ, cách núi khoảng 10 km.

Đình Tây Đằng bao gồm các hạng mục chính: Cổng đình, hồ bán nguyệt, cổng nghi môn, tả hữu mạc, tòa đại đình và giếng đình. Phía trước đình còn có khu nhà phụ trợ, nhà bảo vệ, khu đất trống để xe ô tô và nơi nghỉ chân của khách tham quan trước khi vào thăm đình và cũng là nơi nhân dân địa phương sinh hoạt cộng đồng trong những ngày lễ hội.

Cổng đình

Cổng xây đơn giản, với hai trụ liền tường bao, trụ có tiết diện hình vuông, đầu cột bổ trụ ô lồng đèn không hoa văn trang trí, hạng mục này không mang giá trị nghệ thuật, chỉ mang tính chất bảo vệ khuôn viên, kiến trúc ngôi đình,

Hồ bán nguyệt

Hồ được xây phía trước sân đình theo hình bán nguyệt bên trong thả sen. Vị trí của hồ bán nguyệt tạo ra hai lối đi vào cổng nghi môn và sân đình ở hai bên của hồ.

Nghi môn

Nghi môn đình xây tứ trụ, gồm hai trụ biểu lớn và hai trụ biểu nhỏ. Hai trụ biểu lớn nằm thẳng với trục thần đạo. Trụ có hình vuông, đỉnh trụ đắp tứ phượng, đầu quay bốn hướng tạo thành hình trái giành. Phía dưới phượng là hình mui luyện, bốn mặt đắp trang trí hổ phù uy nghi, tiếp đến là các ô lồng đèn trang trí đề tài tứ linh, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp nổi các câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Hai trụ biểu nhỏ có kết cấu tương tự trụ biểu lớn, đỉnh trụ đắp hình nghê chầu, tiếp theo là ô lồng đèn xây vuông trổ thủng, không có hoa văn trang trí, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp nổi các câu đối chữ Hán.

Phía sau nghi môn là khoảng sân rộng. Trên trục thần đạo được tôn cao hơn xung quanh một cấp nền tạo kiểu sân rồng để phục vụ việc tế lễ trong những dịp lễ hội. Sân được lát gạch Bát Tràng giả cổ, kích thước 30 x 30 cm.

Nhà tả mạc, hữu mạc

Tả mạc, hữu mạc nằm phía trước hai bên đại đình, hạng mục kiến trúc này được tôn tạo vào năm Canh Thân (1860), mỗi bên gồm 3 gian 2 chái, các góc mái tạo bốn đao cong trang trí hình rồng. Kích thước 11,3 x 5,7m. Ba gian giữa có kích thước 2,4m, hai gian chái 1,2m.

Trên mỗi gian và chái của mỗi dãy phía ngoài có 4 cột cái được nâng cao hơn các gian bên tạo phần mái có kết cấu kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Bờ nóc và 4 góc mái trang trí các đầu rồng, là sản phẩm của đợt tu bổ năm 2002 – 2004, mang phong cách nghệ thuật ở thế kỷ XIX. Mái nhà lợp loại ngói mũi hài.

Lòng nhà tả mạc, hữu mạc để thoáng không bài trí các đồ thờ tự, làm nơi đặt đồ lễ của nhân dân trong những ngày lễ hội.

Tòa Đại Đình

Đình Tây Đằng có độ lớn vừa phải, kết cấu mặt bằng theo hình chữ nhất, phía trước nhìn thẳng ra núi Tản Viên. Đình quay hướng Nam (ngả về Tây chút ít). Đình gồm ba gian hai chái lớn, nền nhà cao hơn sân 60cm, qua 3 bậc tam cấp là mặt nền đình lát gạch Bát Tràng, xung quanh bó vỉa bằng đá tảng, trước sau làm thông thoáng.

Đình được dựng trên nền cao để chống mưa gió lọt vào lòng đình. Bộ mái thấp, lớn, bờ mái, giọt gianh chùm ngoài vỉa nền.

Đình làm hàng ngang bề thế với bộ mái đồ sộ khá dày, cấu trúc tầu đao – lá mái, đặc trưng kết cấu mái của ngôi đình thời Mạc. Mái có tỉ lệ bằng 2/3 chiều cao của ngôi đình. Đình có 4 mái lá xòe rộng ra 4 phía: 2 mái chính rộng, lớn và kéo dài xuống thấp, hai mái đầu hồi che kín hai chái.

Các đường bờ nóc, bờ dải được trang trí một hàng hoa chanh chạy dọc. Hai đầu bờ nóc đại đình là hai con lân cõng trên lưng một vân xoắn lớn. Các con giống trên bộ mái là sản phẩm của lần tu bổ vào năm 2002 – 2004.

Mái đình được lợp bằng loại ngói dạng ngói mũi hài, mặt trên của ngói có ghi 3 chữ Hán chạy theo chiều dọc “Tây Đằng Đình”, mặt sau được tạo gờ, rãnh nhằm giảm tải trọng đồng thời tăng ma sát cho ngói nhưng không để lại sự nặng nề cho kiến trúc của ngôi đình. Ngói được thiết kế khi tu bổ bổ di tích vào năm 2002 – 2004.

Khung vì kiến trúc đình được làm bằng loại gỗ mít. Trong những lần tu sửa đình ở thế kỷ XIX, một hàng cột nhỏ đã được gá vào giữa bẩy để chống đỡ bẩy hiên. Đến nay tòa đại đình được kết cấu mặt bằng với 6 hàng chân cột gỗ, tổng số 48 cột lớn nhỏ đỡ khung vì kiến trúc. Chu vi cột cái 750cm, cột quân 500cm, cột hiên 280cm. Cột được làm kiểu thượng thu hạ thách, đứng trên chân tảng bằng đá xanh theo kiểu thức âm – dương, trên tròn dưới vuông. Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, được hình thành trên các bộ vì. Qua sửa chữa, trùng tu vào các thế kỷ sau và vào năm 2002 – 2004, một số cột được thay bằng gỗ lim.

Điểm đặc biệt tại kiến trúc Đình Tây Đằng và các ngôi đình cùng niên đại thời Mạc thế kỷ XVI như Đình Thanh Lũng (Ba Vì) còn có thêm bộ phận cánh gà đỡ dưới dạ các xà dọc (tai cột). Cấu kiện này bao gồm hai thân gỗ, dài ở trên, ngắn ở dưới. Một số cánh gà còn có hai đấu vuông thót đáy kê ở giữa, thân ván dày, bên dưới còn được chạm khắc tỉ mỉ các đề tài rồng, cá chép hóa rồng – hệ thống cánh gà sớm nhất và hiếm hoi trong di tích cổ truyền nước ta.

Bộ khung gỗ của ngôi đình thế kỷ XVI không chỉ có liên kết phía trên, mà còn có liên kết ở phía dưới, đó chính là hệ thống dầm sàn. Dầm dọc nối các cột trong một vì, dầm ngang nối các loại cột của các vì với nhau. Ván sàn được lát trên các dầm này. Ngoài gian giữa, tất các các gian đều có sàn. Tuy nhiên hiện nay sàn của Đình Tây Đằng không còn nữa. Theo nhân dân địa phương cho biết, năm 1948 sàn đình bị dỡ, đến nay dấu vết sàn đình vẫn được nhận biết qua những lỗ mộng của dầm sàn và lan can bao quanh còn lưu lại trên thân cột của đình.

Tại gian giữa tòa Đại đình phía trước bài trí sập thờ, hương án, án gian và các đồ thờ tự. Gian chái bên phải đình đặt ban thờ quan bộ hộ, các gian bên Đình Tây Đằng được để trống tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã.

Hậu cung

Hậu cung là nơi thờ Thành hoàng, lưu giữ các vật thiêng liêng và đồ thờ cúng. Hậu cung được làm tại vị trí trung tâm ngay nửa sau, giữa hai cột cái và cột quân gian giữa đại đình bằng hệ thống ván sàn bằng gỗ cao 1,9m so với mặt nền. Người ta có thể đứng thẳng ở dưới gầm sàn này. Nóc của am thờ đồng nhất với nóc đình.

Phía trước cửa hậu cung là khám gian bao kín xung quanh cửa hậu cung, phía trên khám tạo hai lớp, bên trong chạm nổi đề tài rồng chầu hoa cúc, bên ngoài chạm hình rồng phun lửa, mắt lồi nhìn xuống, đao mác lớn, mũi to, thân tạo vẩy dầy, phía bên trái phần đuôi rồng còn tạo tác hình người ngồi bên biểu hiện yếu tố cầu nguồn nước, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Toàn bộ phần phía trước hậu cung được sơn son thếp vàng. Hai mặt bên hậu cung được bưng kín bằng các đố lụa trang trí công phu các đề tài phượng chầu chữ thọ,… Bên trong cửa hậu cung là nơi trang trọng, thâm nghiêm được đặt 3 ngai thờ vị Thành hoàng. Toàn bộ không gian bên dưới gác lửng hậu cung được để trống, không bài trí di vật.

5. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên kiến trúc Đình Tây Đằng

Các mảng chạm khắc trang trí được thể hiện trên toàn bộ kết cấu gỗ của ngôi đình, như: đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đấu, ván nong, ván lá đề, con giường vì nóc… với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thủng đạt đến đỉnh cao, tạo nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt tác, dù những tác phẩm này đứng riêng biệt hay hòa nhập trong một tổng thể kiến trúc. Các đề tài được tập trung vào ít nhất ba loại hình cơ bản sau: linh vật, hình tượng con người, biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được “vũ trụ” hóa.

Về các linh vật: Phổ biến nhất là rồng, sau là lân, hươu, phượng, voi, ngựa… Rồng thường được chạm khắc ở những vị trí trang trọng nhất như: lá đề ở vì nóc, đầu dư, đầu kẻ góc và bẩy, đệm đuôi xà (cánh gà) hoặc làm vật cưỡi cho các thiên thần (đặt trên đấu ba chạc). Rồng được chạm tròn. Ở đầu dư, rồng thường được chạm lộng, nhất là đối với các đao. Ở các đầu dư gian bên, hình tượng rồng thường chạm bò ra rồi quay đầu nhìn vào gian giữa. Ở những cánh gà, rồng thường được diễn tả dưới dạng bò ngang, đầu nhìn thẳng, trong nhiều cách thức khác nhau, có con thân mang dạng cá đuôi mập và lượn nhẹ, có con đuôi xoắn (hình thức này đã có từ thời Trần, thế kỷ XIV, tới thời Mạc đã xuất hiện nhiều hơn, có con đuôi cá…). Tạo hình rồng ở Đình Tây Đằng là sự kế thừa gần gũi của con rồng thời Lê sơ, tuy nhiên, về tỉ lệ thì thân mập và ngắn hơn, mặt rồng ít dữ dội và mõm ngắn hơn. Hình tượng rồng ở Đình Tây Đằng có thể xác định vào niên đại thế kỷ XVI bởi bố cục và chi tiết như: tóc, đao mắt và các đao phụ đều mảnh, dài, lượn nhẹ, đều; những vân xoắn lớn ken nhau làm nền; đôi khi có một thiên thần nhỏ trên đầu rồng. Nhìn chung, rồng ở Đình Tây Đằng đa số đầu tày, môi dày, râu và lông mi răng cưa, tai với sừng vểnh lên…

Lân được thể hiện chủ yếu ở đầu ngoài của bẩy, ở đầu ván chèn lên câu đầu… dưới dạng độc lân, gần gũi với loại thú bốn chân, được cách điệu với hệ thống đao lửa hay hai hàng vân xoắn đơn chạy dọc theo sống lưng, các vân xoắn lớn bao quanh lưng và khuỷu chân. Lân có mặt ngắn, cũng mang những chi tiết của rồng, nhưng tai ngang không có sừng, lân thường trong tư thế bò ngang, hầu như đều quay mặt nhìn ra, mang bạnh và đã có hiện tượng hí cầu.

Phượng được thể hiện ở tư thế chầu nhau trong ván lá đề của vì nóc bên phải. Cả hai đặt cân xứng, cánh mở rộng, mỏ diều, tóc và lông cổ kết bốn cụm chải bay lượn nhẹ ra phía sau trên nền các cụm vân xoắn nối nhau.

Điểm xuyết tại ván gió còn có đề tài voi đi cày, voi phi (voi lồng) với chân bươn ra cả phía trước và sau, đầu quay lại, vòi vểnh lên… Bố cục của voi thường đặt trong khung giữa hai đấu ba chạc, có tay đấu hóa thân thành những lá cúc linh thiêng. Đây có lẽ là biểu tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp xưa. Hay ở những mảng trang trí khác người nghệ nhân còn thể hiện hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi… Ngoài ra, ở kiến trúc Đình Tây Đằng còn có hình tượng con hươu trong thế chạy phun lửa, thế nằm nghỉ trên một vân xoắn…

Tại Đình Tây Đằng nghệ thuật trang trí được thể hiện sâu đậm nhất mang tính chất dân dã là hình tượng con người, hầu như trong bất kể hình thức nào, tính chất đó cũng được bộc lộ một cách rõ ràng. Hình tượng con người, với khuôn mặt và cách trang phục là hình ảnh của nhân thế, đậm nét con người, họ được sinh ra để vì đời. Còn hình ảnh thiên thần cưỡi trên lưng rồng đó là con người đã được thần linh hóa để làm chủ nguồn nước (đó là ước vọng truyền đời của con người). Hoạt cảnh dân dã ở thế kỷ XVI đã khẳng định bước đi mới của dân tộc, ở đây còn giữ lại được cốt lõi của nhiều vấn đề trong xã hội tâm linh và ước mơ. Chính vì vậy nghiên cứu về hình tượng con người trong trang trí điêu khắc cần nghiên cứu hình tượng “thiên thần” và “người thường”.

Tượng thiên thần: là loại tượng tròn, được gắn vào thân rồng dưới dạng mộng ngoàm. Các rồng này nhô ra trên các đấu ba chạc, lồng trong ván lá gió. Tượng được làm phần trên tương đối đơn giản, cách phục trang theo kiểu đương thời, có tượng để đầu trần, tượng đội mũ đội khăn, hai tay cung kính cầm nghi vật… Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng lại được chạm khắc phổ biến trên các vị trí trang trọng thuộc tầng cao như trên các ván lá đề của bộ vì nóc, ván nong… với nhiều cách thể hiện sáng tạo, độc đáo.

Hình tượng người trong cuộc sống thường nhật chiếm một tỉ lệ rất lớn trong các mảng trang trí của đình. Các mảng trang trí được thể hiện với những nét mộc mạc, nhưng có khả năng khái quát tạo nên được cái thần của đề tài. Đó là cảnh người chèo thuyền ngắm cảnh, chèo thuyền uống rượu, trò chơi chồng nụ chồng hoa, trai gái tình tự, làm xiếc, đấu hổ, đẽo gỗ, gánh con và nổi lên hoạt cảnh tình yêu và hội hè…

Đặc biệt, tại đầu bẩy sau gian chái bên phải đình có hình ảnh nửa người cưỡi lên mình rồng, tay trái vuốt râu rồng. Tay phải người phụ nữ cầm một cây bút lông như đang viết trên đầu rồng, có lẽ đề cao sự học hành đã xuất hiện ở thời Mạc trong đề tài này.

Trên bộ vì nóc bên trái, tại mặt cột trốn đã tạc nổi một người đàn bà ngồi xổm, dang rộng chân, mặc váy, hai tay nắm lấy cổ và đuôi rắn. Mảng chạm khắc cảnh tình yêu diễn ra giữa một ông già và người phụ nữ trẻ, ông già cầm lược đang gạ chải tóc, hai bên là hai thiên thần có cánh cầm bông sen giơ chéo vào giữa, nửa dưới của thiên thần là đuôi rồng. Đây là hình ảnh vô cùng hiếm trong tạo hình Việt.

Hình tượng cỏ cây hoa lá, các biểu tượng tự nhiên được đặc tả trên các đấu kê, bẩy hay trên bộ vì… Đề tài hoa cúc, hoa cúc mãn khai và sen được miêu tả một cách như thực dù đứng một mình hay được miêu tả cùng với các đề tài khác.

Đề tài vân xoắn là biểu tượng rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc, tạo hình tại Đình Tây Đằng.

Ngoài ra, các đề tài trang trí nghệ thuật còn được thể hiện trên các di vật tại đình như: Khám thờ, hương án, long ngai, chấp kích…, có niên đại thời Lê và thời Nguyễn.

6. Lễ hội đình Tây Đằng

Hàng năm, cùng với các thôn làng thờ Tam vị Thánh Tản, bốn thôn Đông, Nam, Đoài, Bắc thuộc thị trấn Tây Đằng lại tề tựu tại Đình Tây Đằng để tổ chức lễ hội, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh.

Trước đây, hàng năm, Tây Đằng thường tổ chức ba kỳ lễ hội theo Âm lịch:

+ Lễ hội mùa xuân (tiệc Giao Điệt) diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 15 tháng Giêng, là lễ hội quan trọng nhất của nhân dân Tây Đằng trong một năm.

+ Lễ hội mùa hè (tiệc Hạ Điền – xuống đồng cấy lúa) diễn ra vào ngày 1/5.

+ Lễ hội mùa thu (tiệc Thượng Điền) diễn ra vào ngày 30/7 và 2/8.

Từ năm 2005, Lễ hội Đình làng Tây Đằng được quy định 5 năm tổ chức một lần, vào các năm có số cuối là 5 và 0. Lễ hội chủ yếu tập trung vào kỳ lễ Giao Điệt từ 10 đến 15 tháng Giêng với nghi thức trang trọng, giản tiện. Các năm không tổ chức hội chỉ có kiệu lễ và kiệu văn đi rước ở chầu (thôn) về đình tế.

Ngoài ngày lễ hội chính, tại Đình Tây Đằng còn tổ chức các ngày tuần tiết trong năm theo Âm lịch.

7. Giá trị di tích

Đình Tây Đằng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, nơi hội tụ mọi người dân trong cộng đồng làng xã, bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông từ ngàn đời lưu lại cho mai sau.

Kiến trúc và các mảng chạm khắc của ngôi đình đánh dấu mốc phát triển của lịch sử kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc dân gian đương thời ở nước ta. Điêu khắc tồn tại ở đình không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống ngày thường cũng như tâm hồn của người nông dân Việt Nam đương thời.

Những thành phần kiến trúc và chạm khắc trên gỗ tại Đình là những tác phẩm nghệ thuật với các đề tài phong phú, sống động… Đình Tây Đằng thực sự là một “bảo tàng” nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI.

Nghệ thuật điêu khắc và các hiện vật tại Đình Tây Đằng không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống ngày thường cũng như tâm hồn của người nông dân Việt Nam.

Với giá trị đặc biệt của Đình Tây Đằng, Đình Tây Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Đình Tây Đằng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn là một “bảo tàng văn hoá, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của cộng đồng và dân tộc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here