Tổng quan những điểm du lịch lý thú ở Quảng Bình

404

Ngay trên tuyến đường 20 huyền thoại chúng ta sẽ bắt gặp bao nhiêu điều kỳ thú mà thác Gió, rừng Gáo chỉ là những nét dạo đầu của thiên nhiên trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng…

Thác Gió, khúc nhạc của rừng

Theo đường 20 đến km 7, rẽ phải men theo rừng độ vai chục mét là thác Gió hiện ra. Một nhánh suối chảy từ rào Thương len lỏi qua những khu rừng nguyên sinh, xuyên qua những phiến đá đã tạo nên một con thác nhỏ, có cao độ chừng 30 mét, nước trong xanh, tung bọt trắng xóa trên những phiến đá phẳng lỳ.

Có lẽ thác Gió không hùng vĩ như những con thác ta đã từng bắt gặp đâu đó trên những nẻo đường đất nước. Nhưng thác Gió sẽ cho du khách tận hưởng sự trong lành đến tinh khiết của thiên nhiên, bởi sự mát mẻ đến kỳ lạ thấm sâu vào da thịt. Tiếng thác như bản hòa ca của núi rừng, không ồn ào, gầm thét chỉ dìu dặt, âm âm, trầm trầm, dìu dịu… Du khách sẽ thả hồn vào thiên nhiên, ngả mình trên những phiến đá khổng lồ ngắm nhìn khoảng không gian biếc xanh qua những tán lá…

Rừng Gáo, nét vẽ phóng túng của thiên nhiên

Rời thác Gió cũng theo đường 20 vượt qua những đoạn đường quanh co uốn lượn bạn sẽ thấy núi non Phong Nha – Kẻ Bàng thật hùng vĩ. Đến km 13, bên phải đường là vách đá dựng đứng, còn phía bên kia bạn sẽ thấy một rừng cây lạ mắt. Những thân cây màu trắng bạc, đường kính chừng 30-40 cm thẳng vút lên trời xanh, san sát nhau. Đấy là rừng Gáo. Với diện tích chừng 50-60 ha, chỉ độc có thứ cây khá đặc biệt này, tán lá cùng với thân cây thẳng tắp ít cành, như những chiếc dù khổng lồ, tạo nên một vùng râm mát mà thoáng đãng…

Chảy qua rừng Gáo là một dòng suối trong xanh. Suối này bắt nguồn từ rào Thương, Hang én giữa rừng Phong Nha – Kẻ Bàng và chảy vào động Phong Nha. Trong năm chỉ một thời gian ngắn của mùa lũ là dòng nước đổi màu còn lại gần như quanh năm, nước trong xanh. Trong dòng nước biếc xanh là những đàn cá lội tung tăng với những loài cá đặc hữu của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng…

Rời rừng Gáo, theo đường 20 bạn sẽ gặp cầu Trạ Ang hoành tráng trên đường Hồ Chí Minh và tiếp đó là địa danh đã đi vào lịch sử chống Mỹ bi hùng của dân tộc, Hang 8 liệt sĩ thanh niên xung phong…

HỆ THỐNG HANG ĐỘNG PHONG NHA

Trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam, qua đèo Ngang, ranh giới tự nhiên của Hà Tĩnh và Quảng Bình, tiếp theo là sông Gianh, du khách đi dộ 16km nữa là đến huyện Bố Trạch, rẽ vào con đường hướng Tây Bắc chừng 17km là gặp dòng sông Sơn, nước trong vắt, uốn khúc quanh co giữa vùng đồi cỏ tranh, lau sậy và rừng thưa.

Sông Sơn còn có những tên khác là sông Chài, sông Troóc, là một chi nhánh của sông Gianh, trên thủy trình lặng lẽ đã phối hợp với những hang động đá vôi với miền Tây Quảng Bình, tạo nên một dải kỳ quan trong lòng núi: hệ thống hang động Phong Nha kỳ bí và ngoạn mục, hấp dẫn lạ thường.

Du khách phải dùng thuyền và chuẩn bị đèn pin khi vào quan sát động này. Nhìn từ xa, cửa động dường như áp sát, mật nước. Cửa vòm thẳng, xéo từ phải hạ thấp xuống qua trái, cao gần 10m và rộng tới 25m, một cái mõm chệch qua bên của một mãnh thú khổng lồ. Thạch nhũ từ trên vòm buông xuống tua tủa như những chiếc răng cực lớn. Gió từng đợt thổi ào ào, luồn lách qua nhiều hang hốc, khe đá, đôi lúc thoát ra những tiếng rú, rền rĩ, vang động kéo dài theo vách đá âm u. Vì thế mới được gọi là Phong Nha, vì Phong là gió, Nha là răng.

[mxh]

Tới cửa động, thuyền dừng lại, tắt máy và người ta phải cố chèo chống để luồn vào hang trên một dòng nước trào ra trong tối tăm. Dòng nước như muốn đẩy thuyền lùi lại, không cho vào.Bên cửa động có bàn thờ sơn thần và dấu tích một tượng Chàm (chỉ còn lại cái bệ, tượng đã mất từ lâu).

Động dài tời 1451m, chia ra nhiều đoạn khúc. Sâu vào phía trong khoảng 600m, có lối rẽ ngang phía phải, dẫm vào một nhánh động phủ hình thước thợ, có một cạnh gần song song với động chính, dài chừng 300m. Tận cùng là một bãi rộng, ngổn ngang những khối đá lớn, khá vuông vức, phẳng phiu như đã qua bàn tay đẽo gọt của con người.

Trong động phụ này, cách chỗ rẽ vào khoảng 200m có một bàn thờ của người Chăm đặt giữa hai cột đá thiên nhiên, dưới một cái vòm tuyệt đẹp. Trên vách có tới gần 100 mảng khắc chữ Chăm cổ. Xung quanh có nhiều bệ tượng. Dưới nền động, giữa những phế tích là những tượng nhỏ hình thù kỳ dị. Chính vì những di tích này mà động Phong Nha còn có tên là Chùa Hang. Lòng động chính có chỗ rộng tới 40m, chỗ hẹp chỉ còn 8m. Trần động có chỗ cao tới 50m trên mặt nước. Chỗ thấp là 2m.

Từ cửa động vào sâu khoảng 100m lòng động thắt hẹp lại, trần sa thấp xuống như gần chạm tới mặt nước. Thạch nhũ buông rèm càng làm tăng thêm vẻ bí hiểm, xung quanh tối om. Thuyền khéo lách qua, tới bên kia, lòng động lại nới rộng ra; trần động cao dần lên. Ở hỗ vừa hẹp vừa thấp, tối ấy, mực nước cũng sâu nhất, trên 12m.

Từng tiếng động nhỏ như tiếng hòn sỏi rơi, tiếng mái chèo khẽ khuấy nước, kể cả tiếng nói thì thầm, tiếng nước nhẹ nhỏ giọt cũng đều được lòng hang vòm động chuyển thành những âm vang vọng kỳ lạ.

Dưới ánh đèn, người ta tìm thấy đá lóng lánh muôn màu. Những cột đá dầm chân dưới lòng sông, in bóng trên mặt nước phản chiếu ánh sáng lung linh, như những hành lang mờ ảo trong lâu đài thủy cung. Cuối động là một bãi cát có nhiều khối đá lớn lô nhô như những hòn đảo giữa lòng hồ khô cạn.

Cũng trong dãy núi cũng còn có một thắng cảnh nữa ở trên độ cao 200m được gọi là Động Khô (để phân biệt với động Phong Nha là động hang nước có dòng sông ngầm xuyên qua, muốn vào phải dùng thuyền chèo chống). Lối lên động khô ở gần cửa động Phong Nha. Trong động có nhiều nhũ đá, măng đá hình thù kỳ dị. Động có khe sâu ăn thông xuống hang ngầm.

Động khô được phát hiện vào khoảng vài chục năm về trước, chưa được chú ý khai thác. Trong tương lai, động nước Phong Nha lẫn động khô sẽ trở thành một cụm thắng cảnh liên hoàn đầy quyến rũ đối với tất cả du khách.

HANG BI KÝ KỲ QUAN HANG ĐỘNG THẾ GIỚI

“Thế giới đệ nhất động” – Một thánh địa từ miền thiên quốc lạc xuống trần gian – Nơi ấy Phong Nha. Phong Nha mang nghĩa là khởi đầu, cội nguồn của con sông Son trong veo, chảy ra từ lòng núi.Động Phong Nha, khuất khúc, nhiều ngả, nhiều chi, có tới cả trăm cây số. Núi đá, dòng sông ngầm, hang động… đã tạo nên một kỳ quan đậm chất vô tiền khoáng hậu.

Động Phong Nha là một cặp song sinh của tạo hóa, ở nơi đỉnh núi vẫn tồn tại một động Phong Nha thượng mà sự kỳ vĩ đã càng làm ngỡ ngàng thêm cho khách hành hương, khiến chẳng ai nỡ so sánh giữa thượng và hạ vì chẳng biết động nào đẹp hơn. Chúng là một chính thể thống nhất. (Trích Kỳ quan hang động Việt Nam)

Ngày 3/7/2003, tại Trụ sở UNESCO ở Pari (Pháp), ủy ban Di sản thế giới họp kỳ họp toàn thể lần thứ 27, đã công nhận thêm 24 di sản văn hóa và thiên nhiên của các quốc gia thành viên, trong đó Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Việt Nam được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là địa danh thứ 5 của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, giáp biên giới Việt Nam-Lào. Vườn bao gồm một quần thể hang động phong phú, kỳ vĩ và một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 95% có tính đa dạng sinh học cao.

Hệ thống hang động đã phát hiện tại Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng chiều dài khoảng 106.000m, và còn nhiều hang động chưa được thám hiểm. Hệ thống hang động kỳ thú này kết hợp với hệ sinh thái rừng đa dạng trên núi đá vôi và sông suối tạo nên nhiều cảnh quan độc đáo thu hút các nhà nghiên cứu khoa học và khách du lịch. Phong Nha-Kẻ Bàng có hai hệ thống hang động: Hệ thống động Phong Nha và hệ thống hang Vòm, với tổng chiều dài 64.384m, trong đó riêng hang Vòm dài 13.690m. Ngoài ra, trong dãy núi Kẻ Bàng còn rất nhiều những hang động khác như hang én, hang Thung, hang Đại Cáo…

Sự độc đáo của động Phong Nha còn ở chỗ đây là một động nước lớn, với dòng sông ngầm dài ngót 14km, khi chảy ra khỏi động trở thành dòng sông Son tạo nên con đường chính đưa du khách vào thăm động.

Động Phong Nha được hình thành do những kiến tạo địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng cách đây hàng trăm triệu năm. Dấu tích những văn tự khắc trên vách đá bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ cho thấy động Phong Nha được người Chăm phát hiện từ thời xa xưa. Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là “Diệu ứng chi thần”.

Cuối thế kỷ XIX, ông Cadiere, một linh mục người Pháp, thám hiểm động và suy tôn là “Đông Dương đệ nhất động”. Ông là người phát hiện ra những văn tự của người Chăm trên vách đá trong hang động. Tháng 7/1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát Phong Nha đã nhận xét rằng Phong Nha là một hang động tuyệt đẹp, có thể so sánh với các hang động nổi tiếng trên thế giới như Padirac (Pháp), Cuevas del Drac (Tây Ban Nha)…

Hơn nửa thế kỷ sau đó, chiến tranh đã làm gián đoạn việc thám hiểm, khám phá động Phong Nha. Thời kỳ chống thực dân Pháp, nơi đây là căn cứ tập hợp quân của nhiều cuộc khởi nghĩa. Thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, khu vực động Phong Nha là một trạm trung chuyển quân sự, lương thực cho chiến trường trên tuyến đường Trường Sơn.

Năm 1989, Hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) tiếp tục làm công việc thám hiểm động Phong Nha. Vào các năm 1990, 1992, 1994, Đoàn thám hiểm BCRA phối hợp với Khoa Địa lý-Địa chất của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại tiến hành khảo sát kỹ hơn động Phong Nha và một số hang động khác. Sau khi khảo sát, các nhà khoa học Việt Nam và Anh đã công bố bằng hình ảnh về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên độc đáo tuyệt mỹ ở động Phong Nha.

Động Phong Nha dài 7.729m. Cửa động rộng 20-25m, cao khoảng 10m. Vào sâu trong động Phong Nha hơn 600m là hang Bi Ký với những thạch nhũ tuyệt đẹp màu cẩm thạch, vòm hang rộng, không gian trong hang huyền ảo. Vô vàn những nhũ đá mang dáng vẻ của Đức mẹ Maria, các thiên thần bay lượn, hình những cây thánh giá, những bầy sư tử, cá sấu, và đặc biệt có 2 cột nhũ đá rũ dài từ trên trần hang xuống tận đáy nước.Hang bi ký dài khoảng 130m và rộng như một hội trường lớn, phía dưới là một lớp cát mịn làm nền, có lẽ vì vậy mà hang Bi Ký còn có tên là hang Hội Trường.

Rời hang Bi Ký, du khách sẽ sang hang Tiên và hang Cung Đình cùng những cột nhũ đá cao trên 20m được thiên nhiên tạo nên. Đây cũng là hai hang tiêu biểu của động Phong Nha có hệ thống nhũ đá huyền ảo và kỳ vĩ cùng hàng ngàn những kiệt tác được hình thành bởi tạo hóa, với vô số những hình ảnh kỳ lạ và hấp dẫn. Trong hang Tiên, thiên nhiên đã tạo trên vách đá hình dáng những nàng tiên với mái tóc dài, màu vàng óng ả. Hang Cung Đình có nhũ đá giống ngai vàng, được thiên nhiên “chạm trổ” cực kỳ tinh xảo… Nếu gõ nhẹ vào chuỗi thạch nhũ giống hình phím đàn thì người ta tưởng như đang thưởng thức âm điệu của tiếng đàn tơ-rưng trầm bổng âm vang.

Tháng 4/1997, một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phong Nha-Xuân Sơn được tổ chức tại Quảng Bình. Tổ chức BCRA chính thức công nhận Động Phong Nha là một trong 3 hang nước tiêu biểu trên thế giới và là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chuẩn: Hang có dòng sông ngầm dài nhất (13.969m); có cửa hang cao và rộng nhất; có bãi cát và bãi đá ngầm đẹp nhất; có hang khô rộng và đẹp nhất; có hồ nước ngầm đẹp nhất; có hệ thống thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; hang dài nhất.

Phong Nha-Kẻ Bàng còn lưu giữ nhiều dấu tích khảo cổ và di tích lịch sử quý giá. Đó là những chữ tượng hình cổ của người Chăm, di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của Vua Hàm Nghi cuối thế kỷ 19 tại núi Ma Rai; những địa danh như bến phà Xuân Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết thắng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ý thức được vị thế của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nhất là vẻ đẹp hấp dẫn của động Phong Nha, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng hơn 50km đường nhựa từ quốc lộ 1A đến bến Xuân Sơn. Thiết kế và lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong hang động, mở đường lên động Tiên Sơn (động Phong Nha khô) và hệ thống nhà hàng, khách sạn để thu hút khách du lịch. Tỉnh cũng đã triển khai thêm một số dự án lớn đầu tư cho Khu du lịch Phong Nha như Công trình cáp treo với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng; xây dựng khu dịch vụ với kinh phí 10 tỷ đồng; đầu tư 800 triệu đồng đóng mới 2 tàu để đưa khách tham quan động. Mở tuyến du lịch sinh thái lên động Tối, thác Trộ Mợng, eo Gió, khu Nước Mọc, Xây dựng vùng rừng lâm viên… Đồng thời, tỉnh đã giúp đỡ nhân dân trong vùng tham gia các hoạt động kinh tế, dịch vụ, bảo vệ môi sinh, môi trường và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Để phát triển du lịch bền vững, khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cần phải duy trì khả năng thu hút và tăng tính hấp dẫn đối với du khách bên cạnh các biện pháp nghiêm ngặt để bảo tồn môi trường thiên nhiên, tài nguyên du lịch chủ yếu ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa môi trường với các yếu tố văn hóa-xã hội, kinh tế

Ðộng Thiên Cung

Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung. Ðộng nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long cách bến tàu du lịch 4 km, trên đảo Ðầu Gỗ ở độ cao 25 m so với mực nước biển. Ðảo Ðầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Ðộc có đỉnh cao 189 m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp.

Ðường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo xuống tận đây để kiếm hoa quả. Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130 mét. Càng vào trong ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hoá. Ðộng gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa. Chuyện kể rằng sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh tan giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an tọa, năm ấy trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra tay làm mưa.

Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi tìm gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây.

Nàng Mây lớn lên đã làm xao xuyến trái tim Hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau, đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm tại khu vực trung tâm động. Ðể chúc mừng đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ trên không trung…

Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa công phu đang nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Ðẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt và vô cùng sống động.

Tất cả những hình ảnh đó như vừa được hoá đá nơi này. Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo tới từng chi tiết nhỏ, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành…

Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Ðó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Ðứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy.

Tới ngăn động cuối cùng, những luồn ánh sáng trắng xanh đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một vòi nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách, nơi đây có ba chiếc ao, nước trong vắt. Ðây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn trưởng thành. Một con đường dẫn ra phía ngoài quanh co uốn khúc, đó chính là con đường mà nàng Mây cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn ở lại cùng với người cha xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại là bầu vú tiên tràn trề sức sống.

QUẢNG BÌNH VỚI ĐỘNG PHONG NHA

Giấu mình trong núi đá vôi, nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bàng, được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, động Phong Nha không chỉ là một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam, động Phong Nha còn được đánh giá xếp loại là một trong những hang động đẹp nhất trên thế giới. Vì vậy sau chuyến khảo sát hang động Phong Nha của Đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh quốc vào năm 1992, năm 2003 Phong Nha đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.Chuyện kể rằng, từ thuở hồng hoang, con người sống chung với cỏ cây và muông thú, thuở ấy các vị Tiên và người phàm trần chung sống với nhau. Trần gian luôn bị nhiều tai ương gây ra cho con người, vì thế theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế, các vị thần tiên thường bay xuống trần gian cứu giúp những con người khốn khổ. Phong Nha còn là nơi trú ngụ của các tiên nga, nơi lý tưởng để các nàng tiên ấy cùng nhau bơi lội, vui đùa. Người ta đã từng kể cho nhau nghe, có chàng trai trẻ xưa kia một mình chèo xuồng vào hang để mục kích tận mắt xem các nàng tiên cởi bỏ xiêm y tắm gội, hết ngày rồi bay trở về trời. Sau đó, chàng trai trẻ thất tình ngơ ngẩn ngày ngày chèo xuồng vào trong hang động với một mong ước mãnh liệt sẽ gặp lại tiên nga. Từ năm này sang năm khác, từ ngày này sang ngày khác, hy vọng rồi thất vọng, chẳng mấy chốc chàng trai trẻ ấy trở thành ông lão đầu tóc bạc phơ và từ giã cõi đời với niềm luyến tiếc không nguôi. Hồng Đào còn cho biết, người dân ở xung quanh động Phong Nha không thể nào biết được bức tượng Phật Bà Quan Âm được hình thành từ nhũ đá trong hang động có tự bao giờ. Họ chỉ truyền miệng kể cho nhau nghe sự linh nghiệm từ bức tượng của Phật Bà. Những ai đã từng đến đây và chèo xuồng trên con sông ngầm bí hiểm này, nếu nhận giọt nước Cam Lồ từ trong chiếc bình trên tay Người nhỏ xuống trên đầu thì sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng sự may mắn đó sẽ được nhận khi chỉ nhận một giọt, hoặc phải có đủ 99 giọt thì mới hiển linh. Cô hướng dẫn viên du lịch vừa dứt lời, trong đoàn “thám hiểm” chúng tôi đã có người kêu lên khi nhận giọt nước may mắn từ huyền thoại này.

Năm 1992, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh quốc gồm 15 thành viên đã thám hiểm đến đích động Phong Nha suốt 34 ngày đêm. Và họ đã đo được chiều dài của hang động là 7.729m. Tuy nhiên hiện nay du khách chỉ được phép tham quan 600m chiều dài của động Phong Nha. Vòm hang động cao nhất 50m và sâu nhất 83m.

Đi qua hang ướt, thuyền ngược dòng khoảng 800m thì đến chỗ cạn gọi là Hang nước cạn. Nước biến đi nhường chỗ cho đá, cát. Nhũ đá từ trên rủ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng của con người. Chúng tôi rời thuyền quá bộ trên cát đến với hang khô. Theo huyền thoại, bờ cát vàng hiếm hoi trong hang động này chính là nơi các nàng Tiên đã từng thường xuyên có mặt nơi đây và để lại những dấu chân Tiên trên cát.

Trở lại chuyện ông giáo sĩ Leotio Cadlrier – nhà thám hiểm người Pháp có công tìm ra động Phong Nha vào cuối thế kỷ 19, vị giáo sĩ này đã phát hiện di tích cổ của người Chiêm Thành tại hang khô. Ông đã tìm thấy bàn thờ và 7 chữ khắc trên bia đá của người Chămpa xưa. Vì vậy, hang khô còn có tên gọi là hang Bi Ký (chữ Bi có nghĩa là “bia”, chữ “ký” có nghĩa là chữ viết, tạm gọi là “chữ viết trên Bia”). Trong 7 chữ khắc của Bi Ký được viết theo lối cổ tự của người Chămpa nên người ta chỉ dịch được duy nhất một chữ, đó là chữ “Catimar”. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, chữ Catimar là tên của một vị La Hán – Tổ sư thứ 13 của Phật giáo Ấn Độ tồn tại từ thế kỷ thứ X. Bàn thờ của người Chămpa còn sót lại có hình những linh vật.

Thời kháng chiến chống Mỹ, người dân Quảng Bình đưa bộ đội đến động Phong Nha và động Phong Nha trở thành nơi trú quân của bộ đội. Hang khô chính là trạm y tế cứu chữa cho thương bệnh binh một thời gian dài.

Hang Cung Đình

Chúng tôi đến hang Cung Đình – một trong nhiều hang nhỏ đẹp nhất, kỳ bí nhất của động Phong Nha với nhiều hình ảnh sống động được hình thành từ thạch nhũ tạo nên một bức tranh rực rỡ của chốn Cung Đình, vì vậy người dân quảng Bình đã gọi hang này là hang Cung Đình. Vô số hình ảnh làm người ta có thể liên tưởng đến cung vua như: hai con rồng chầu hai bên, tượng voi phủ phục trước bệ rồng, hình tượng 4 thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh…tất cả đều do thạch nhũ nhỏ giọt kết thành. Nhìn bức rèm tiên được tạo thành từ nhũ đá, ngước mắt nhìn lên trên vòm hang, ta có thể hình dung rõ nét hình ảnh nàng Tiên đang xõa tóc gội đầu bên dãi ngân hà. Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến lời bài hát:“chuyện xưa kể rằng, trên Tiên giới ấy ngày vui kết hoa đăng, vương quốc đang say, một nàng tiên lỡ làm rơi ly ngọc ngà. Đang say, nên Trời bảo đọa đày nàng (Tiên) xuống dưới trần gian làm người dương thế không biết bao lâu mới trở về Trời…” Hang “mẹ bồng con” cũng kỳ bí không kém các hang động khác. Người dân ở đây tin sự linh hiển của bức tượng hài nhi nghịch ngợm chổng mông khom người về phía trước. Những người hiếm muộn về đường con cái một khi đã đến nơi này không thể cưỡng được lòng mình, thể nào cũng đặt tay lên người chú bé với một niềm mong ước sớm có được một quý tử cho mình.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng – Việt kiều Bỉ, người đã từng đi nhiều nước trên thế giới, lần đầu tiên thăm động Phong Nha ông cứ luôn miệng khen bàn tay dịu kỳ của trời đất đã khéo vẽ nên một Phong Nha tuyệt mỹ như thế này. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, Phong Nha là một kỳ quan đã được thế giới công nhận. Khi đến đây, tôi rất xúc động vì tận mắt nhìn thấy trời đất đã ban cho Việt Nam, đặc biệt là đất Quảng Bình, một tài sản vô giá. Vấn đề là làm sao bảo tồn nó để giữ được cảnh vật thiên nhiên độc nhất, vô nhị này. Tôi rất xúc động khi đứng trước tuyệt tác của thiên nhiên, Phong Nha là tài sản quý hiếm vô ngần mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình. Một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại đưa gia đình tôi về đây tham quan với thời gian lâu hơn nữa” .

Ông Lê Quý – Việt kiều Úc cho biết, mặc dù đây là lần thứ hai ông được đến thăm Phong Nha. Nhưng mỗi lần đến với Phong Nha, ông như được khám phá thêm nhiều cảnh đẹp với nhiều cảm xúc khác lạ như được quay về với tổ tiên xưa. Đất nước mình có nhiều cảnh quan tuyệt đẹp. “Nếu chỉ nói về vẻ đẹp của cảnh quan thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Nhưng đối với tôi, đây là cái đẹp của quê cha đất Tổ, cái đẹp của quê hương lúc nào cũng sâu sắc hơn trong tâm hồn. Tôi rất xúc động và tự hào vì đã may mắn có dịp về thăm lại quê hương mình. Nếu có nhiều thời gian để tham quan du lịch, tôi thích được tiếp tục chiêm ngưỡng Phong Nha nhiều hơn nữa”.

Phong Nha đã được đánh giá đạt 7 tiêu chí nhất về địa chất, địa mạo tại một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phong Nha – Xuân Sơn, được tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 04.1997. Kết quả nghiên cứu khảo sát cho biết: Phong Nha có Hang nước dài nhất; Cửa hang cao và rộng nhất; Bãi cát và đá rộng đẹp nhất; Hồ ngầm đẹp nhất; Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; Dòng sông dài nhất Việt Nam (13.969m); Hang khô rộng và đẹp nhất.

Đặc biệt, hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: Có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, có những bờ cát rộng và đẹp nhất, có những thạch nhũ đẹp nhất. Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris tháng 7.2003 đã công nhận Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới. Với những cái nhất như thế, Phong Nha đã khiến cho du khách một khi đã đến nơi đây không khỏi xuýt xoa thán phục bàn tay của tạo hóa và khi rời xa chắc chắn họ sẽ mãi mãi không bao giờ quên.

Chúng tôi quay trở lại thuyền rời Phong Nha khi hoàng hôn đã buông xuống từ lúc nào. Mặt trời đã lặn sâu ở phía chân núi đá vôi Kẻ Bàng tạo nên sắc màu kỳ ảo. Một lần nữa, chúng tôi được ngắm dòng sông đẹp như hồ thu ấy giữa bao la đất trời, một cảnh quan đẹp như trong chuyện cổ tích. Đúng như lời nhận xét của một người con Việt nhiều năm xa quê hương nay mới có dịp trở về “Sông núi Việt Nam kỳ vĩ đẹp biết bao, thật tự hào khi ta được trở về với cội nguồn dân tộc Lạc Hồng”.

BÃI ĐÁ NHẢY

Dưới chân đèo Lý Hoà, chỗ giáp giữa biển với núi có một bãi đá có rất nhiều đá to, nhỏ, thấp, cao. Mỗi khi có sóng xô, trông đá như những con cóc lớn nhảy trên sóng, tạo nên hàng loạt âm thanh rì rào khác nhau. Có lẽ vì vậy mà cái tên Đá Nhảy được ra đời từ đó để ghi dấu nét riêng của bãi biển này. Đá Nhảy là một điểm du lịch hấp dẫn, một bãi tắm sạch, đẹp và có nhiều thắng cảnh với nhiều hang động kỳ thú. Đến Đá Nhảy, ấn tượng đầu tiên của du khách là một bãi tắm bằng phẳng, nước trong và sạch. Khách du lịch cùng một lúc vừa được bơi thuyền leo núi, săn bắn, vừa được dạo chơi trong rừng dương, tắm mình trong một bãi biển trong sạch, yên bình.Trong những năm gần đây, nhiều công trình khách sạn, nhà hàng, bãi đỗ xe… đã được xây dựng khang trang bên bờ biển Đá Nhảy để du khách có thể tắm biển, nghỉ ngơi thoải mái, nhất là sau những cuộc leo núi hay thăm động Phong Nha – Tiên Sơn, Đèo Ngang, Đồng Hới…

Đá Nhảy không chỉ là khu du lịch nghỉ mát lý tưởng vì có bãi tắm đẹp nằm dưới chân núi, mây nước hữu tình nên thơ mà biển nơi đây có nhiều rạn ngầm, đó chính là nơi cư trú của nhiều loại hải sản quý như tôm, cá, cua, mực, ốc… có thể chế biến những món đặc sản biển hấp dẫn du khách. Cùng với Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và nhiều điểm tham quan du lịch khác của Quảng Bình, biển Đá Nhảy sẽ là nơi dừng chân lý tưởng đem đến cho du khách một cảm giác thật thoải mái và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Từ trên đèo Lý Hoà (Quảng Bình, sát quốc lộ 1A) nhìn xuống, du khách có thể thấy một quần thể những khối đá như đang nhảy trên mặt sóng nước, tạo nên một vùng thắng cảnh hết sức đẹp mắt. Ở giữa có một vùng thoai thoải rất thích hợp cho du khách tắm biển và nghỉ ngơi.

Toàn thể vùng Đá Nhảy rộng khoảng 4-5 hecta, trải dài trên 400 m. Nơi đây được Nhà nước công nhận là di tích danh thắng đã xếp hạng. Năm 1842 vua Thiệu Trị trên đường bắc tuần qua Đá Nhảy thấy cảnh non nước hữu tình đã cho khắc bia kỷ niệm.

Dãy núi chính (núi Hải Cốt) của đèo Đá Nhảy đâm sát tận mép nước biển và từ đó vỡ ra tạo nên hàng trăm hòn, khối đá gan gà to, nhỏ đủ mọi hình thù, có khối nằm liền nhau, có hòn tách rời nằm trong lòng nước biển mặc cho sóng biển vỗ ngàn đời.

Hòn Ông Tượng

Người ta căn cứ vào vị trí, hình thù của đá mà đặt tên như cục Đèo Ngoài, cục Động Thuần, cục Đá Đen, cục Đèo Trong… Có những khối đá mang hình thù các con vật cụ thể, như con cóc, con rùa đang nhảy chồm trên nước biển, hay con voi đang đùa giỡn… Ấn tượng nhất là một cột đá, gọi là hòn Ông Tượng, diện tích mặt trên khoảng 1 m2, cao 7-8 m phía dưới có hai ba tầng chân đế không khác gì tượng do người đẽo gọt mà nên. Nhiều hòn có kích cỡ bằng một chiếc xe tải lớn bị nước bào mòn thành những ngóc ngách, hẻm hóc trông rất kỳ dị.

Mỗi lần thuỷ triều lên, sóng vỗ vào mọi ngách hang tung bọt trắng xoá, phát ra âm thanh thật vui tai. Đôi khi đang rảo bước theo mép nước, bỗng nhiên từ phía biển ùa lên một vòi nước trắng bọt lút đến gối, bạn hãy nhanh tay chụp lấy một kiểu ảnh. Đó sẽ là một kỷ niệm đẹp chỉ ở Đá Nhảy mới có.

Định Bắc Trường Thành

Thành Đồng Hới, tên chữ: Định Bắc Trường Thành, tọa lạc trên một vùng đất xung yếu, cắm một cái chốt độc đạo trên con đường xuyên Việt từ Bắc vào hay Nam ra. Thành gần biển, cách cửa biển Nhật Lệ 1.500m. Phía Đông là con sông Nhật Lệ, phía Tây cách rừng khoảng vài nghìn mét. Thành nằm ở phường Hải Đình, trung tâm thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đây là di tích kiến trúc – nghệ thuật thành luỹ quân sự.Thành Đồng Hới được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 16 (1812) bằng đất (Nguyễn Ánh chính thức vào thành Phú Xuân ngày 15 tháng 6 năm 1802 lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu là Gia Long). Thành được xây ngay trên mảnh đất xưa kia chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho xây bức luỹ Trấn Ninh (luỹ Đào Duy Từ 1631) và đồn Động Hải 1774. Tám năm sau khi Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, ông đã nhờ một sĩ quan người Pháp thiết kế lại thành Đồng Hới và xây lại bằng gạch (1824) theo kiểu vô băng, thành luỹ quân sự, thành có kiến trúc đẹp, hình múi khế, 4 múi to, 4 múi nhỏ, 4 múi nhỏ theo hướng Tây Nam – Đông Bắc và Tây Bắc – Đông Nam. Chu vi thành 465 trượng (1.860m), cao 1 trượng (4m). Mặt thành rộng 1m35, móng thành dày 2m. Mặt chính của thành quay về hướng Tây. Thành có 3 cổng lớn Bắc – Nam – Đông, trên cổng có vọng canh 8 mái. Cổng thành xây uốn kiểu tam quan thông ra ngoài bằng chiếc cầu gạch cũng xây kiểu vòm cuốn xinh xắn.

Ngoài thành cách chân thành khoảng 5 – 6m là hào rộng 7 trượng (28m) nay còn lại khoảng 15-20m. Mặt trong thành đắp đất phụ thêm dày 3 trượng (12m). Phần đắp đất phụ này hầu hết đã bị san phẳng còn lại dấu tích rất ít. Thành xây bằng gạch, vữa bằng mật mía trộn cát (không tô trát). Gạch có độ nung cao, loại gạch to (gạch vồ) có hai loại: 0,3m x 0,3m x 0,06m và 0,28 x 0,14 x 0,06. Các đầu múi khế là các vọng lâu và là những sở chỉ huy trực tiếp khi có các cuộc chiến đấu xảy ra. Năm 1842, Thiệu Trị lên ngôi được hai năm, ông đã đi Bắc tuần Động Hải và ra lệnh cho quan Thượng thư Bộ công và quân dân địa phương tu sửa lại thành và các luỹ cũ chắc chắn hơn.  Thành Đồng Hới ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, từ thời Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đi chinh phạt giặc Chiêm Thành (thế kỷ XI), Trần Duệ Tôn (thế kỷ XIV) Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) đi kinh lý phương Nam. Mảnh đất bi hùng này còn chứng kiến cuộc hành quân thần tốc của người anh hùng Nguyễn Huệ, hai lần ra Bắc chinh phạt lũ bán nước và cướp nước. Đến thế kỷ XVII trên mảnh đất thành Đồng Hới là vùng ’’phên dậu’’ tranh chấp đất đai. và quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn suốt 45 năm (1627 -1672) gây nên cảnh “nồi da xáo thịt’’, “huynh đệ tương tàn”. Thành Đồng Hới thể hiện lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm chống thù trong giặc ngoài của người dân Quảng Bình.

Năm 1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới nhưng nhân dân và binh sĩ vùng Động Hải đã đánh trả quyết liệt, cuối cùng thực dân Pháp phải rút lui. Do sự hèn nhát của bọn vua, quan Triều Nguyễn, ngày 19-7-1885 thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần thứ hai và chúng đã chiếm được thành dễ dàng. Trong phong trào “Cần vương” nhân dân Đồng Hới tham gia nghĩa quân của Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy, đã ba lần đột nhập thành Đồng Hới (tháng 1, tháng 6 và tháng 8 năm 1886) tấn công binh lính Pháp trong thành gây cho chúng nhiều tổn thất.

Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954) quân và dân thị xã nhiều lần tập kích quân Pháp ở trong thành gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngày 18-8-1954, tên Pháp cuối cùng rời khỏi thành rút xuống tàu há miệng về nước.

Ngày 16-6-1957, vinh dự cho quân và dân Quảng Bình được đón Bác Hồ kính yêu vào thăm và nói chuyện. Thành Đồng Hới rợp cờ hoa và biển người đón Bác. Thành Đồng Hới từ khi xây dựng cho đến nay luôn là trụ sở của cơ quan đầu não (của ta và của địch) và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng, một phủ và của tỉnh Quảng Bình.

Thành hiện này còn một nửa. Đoạn thành phía Đông, 3 cổng và hai cầu Nam – Bắc đã bị sập hoàn toàn do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cầu phía Đông còn nhưng không nguyên dạng như ban đầu. Thành còn 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế. Đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn

Ngày nay, mỗi bước phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh nhà đều ghi thêm một trang sử mới cho di tích thành Đồng Hới. Nhiều công trình mới mọc lên nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của thành Đồng Hới mà trái lại càng tô điểm thêm cho toà thành cổ soi bóng bên dòng sông Nhật Lệ.

[sub] [luu_zalo url_zalo=”https://media.zalo.me/detail/652805129734127952?id=14eb73b778f291acc8e3&pageId=652805129734127952″]

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here