Thành Cổ Loa là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc, nay thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội.
[khoa-hoc-dl][mxh]Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của dân tộc Việt, về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, về việc chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu – Trọng Thuỷ… Từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này mới chỉ nêu những nét khái quát nhất về khu di tích có giá trị đặc biệt của Thủ đô ngàn năm tuổi.
Vị trí của Cổ Loa
Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác Châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp và nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia sông Hoàng là một nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại Đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc Bộ Việt Nam. Qua sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Đông Bắc Bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam.
Cổ Loa qua dấu vết Khảo cổ học
Những người đầu tiên được môi trường – cảnh quan tiền Cổ Loa hấp dẫn đến khai phá và làm chủ nơi này là nhóm cư dân đã để lại dấu tích ở Di chỉ Đồng Vông. Vậy những người đầu tiên có mặt ở Cổ Loa – Đồng Vông, từ đâu tới? Nghiên cứu Khảo cổ học về Đồng Vông cho biết, trước hết, đây “là một di chỉ thuộc nhóm di tích giai đoạn Phùng Nguyên” (4000 – 3500 năm trước Công nguyên), hoặc là Phùng Nguyên muộn. Cố GS Trần Quốc Vượng cho biết: “Cả một cụm di chỉ phần nhiều là Phùng Nguyên muộn, đầu thời đại đồng thau – đã phát hiện dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê, cũng như ở nhánh Tiêu Tương phía hạ lưu của nó, ở khu vực Cổ Loa. Đó là Đồng Vông, là Xuân Kiều, xa hơn chút nữa là chân núi Tiên Sơn và vùng đồi Lim, cho đến tận Võ Cường, mé ngoài thị xã Bắc Ninh, trên sườn đồi giáp mé sông của những làng quan họ sau này”.
Khai phá đầu tiên khu vực Cổ Loa từ nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, những người ở Đồng Vông ngày xưa, trong khi mở rộng sự phát triển của văn hoá Khảo cổ học Phùng Nguyên, về phương diện lịch sử đã tham gia tích cực vào việc khởi phát thời kỳ tiền Hùng Vương. Điều này cũng có nghĩa Cổ Loa, với sự xuất hiện những cư dân đầu tiên ở Đồng Vông, đã khởi động lịch sử của mình, kèm theo ý nghĩa là một địa vực sớm được khai phá, ngay từ buổi đầu thời đại Hùng Vương.
Liền sau nhóm cư dân Đồng Vông là hai nhóm cư dân đến sinh sống ở Cổ Loa. Người xưa đã lưu dấu tích lại ở hai di chỉ Xuân Kiều và Tiên Hội. Sự phát triển liên tục ấy, chính thức đến giai đoạn quan trọng nhất: giai đoạn Văn hoá Gò Mun – Đông Sơn trên đất Cổ Loa. Hai di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn này đã được phát hiện ở đây là Đình Tràng (Chàng) và Đường Mây. Sự “hội tụ văn hoá” ở Cổ Loa vậy là đã thấy rõ vào thời gian phát triển cuối cùng của Di chỉ Đình Chàng. Có nghĩa là: khi ấy, họ chứng kiến hoặc tham gia vào việc chuyển Cổ Loa từ thời tiền Cổ Loa sang thời Cổ Loa đích thực – Cổ Loa thời An Dương Vương.
Kết cấu thành Cổ Loa
Cổ Loa được hình thành cùng với thời kỳ An Dương Vương – Thục Phán. Thời kỳ đó được mở đầu bằng việc xây đắp một toà thành ở Cổ Loa. Đắp thành ở Cổ Loa, An Dương Vương đã chuyển khu vực Cổ Loa thời tiền Cổ Loa trở thành Kinh đô nước Âu Lạc.
Về mặt vật chứng, việc nghiên cứu Khảo cổ học thành Cổ Loa đã thể hiện ra những hình thể của di tích toà thành còn lại như sau:
– Tường thành:
Di tích thành hiện thấy có ba vòng: tường thành ngoại, tường thành trung và tường thành nội.
+ Tường thành ngoại là một vòng tường khép kín, lần theo những gò đống thiên nhiên, nên không có hình dáng rõ ràng. Không phải tất cả các vòng tường thành đều do đắp xây, mà nhiều đoạn vốn là gò đất tự nhiên.
+ Tường thành trung là một vòng khép kín, không có hình dáng nhất định, cũng do đắp nối các gò tự nhiên và men theo đầm hồ mà thành. Theo cố GS Trần Quốc Vượng, chiều dài thành khoảng 6.500m, theo R.Despierres và Cl.Madrolle thì thành dài 6.150m. Cao từ 6 đến 12m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân thành rộng tới 20m.
Điểm độc đáo là vòng tường thành ngoại và trung được đắp bằng nhau ở phía Nam, tạo thành một quãng trống làm cửa ra vào. Hiện tượng nối liền hai vòng tường thành ngoại và trung để tạo lối ra vào và việc cùng thuận theo thế đất tự nhiên để đắp tường, làm cho hai vòng tường thành ngoại và trung có chứng cớ để mang một tuổi chung, đồng thời, có dáng vẻ nguyên thuỷ của một công trình quân sự.
+ Tường thành nội mang dáng vẻ khác hẳn hai vòng tường thành trên, có hình chữ nhật nghiêm chỉnh, chu vi khoảng 1.650m, mặt thành rộng khoảng 10m, chân thành rộng khoảng 20m, thành cao chừng 5m.
– Hào ngoài:
Cả ba vòng tường thành đều có hào ngoài.
Hào thành ngoài, phía Tây Nam, lợi dụng con sông Hoàng, chảy gần sát tường thành. Phía Tây Nam, từ gò Cột Cờ; phía Đông, từ Đầm Cả, người xưa đã đào khắp ven phía ngoài tường thành. Như vậy, nước sông Hoàng có thể chảy thông khắp quanh thành.
Hào thành giữa cũng nối với hào thành ngoài ở gò Cột Cờ và Đầm Cả.
Hào thành trong được đào quanh tường thành. Đó là một vòng hào khép kín, nối với sông Hoàng bằng một trong năm lạch nước ở thành giữa.
– Cửa thành:
Vòng thành trong được xây dựng theo bốn hướng chính: Nam, Bắc, Đông, Tây, nhưng chỉ mở một cửa ở chính giữa tường thành phía Nam.
Vòng thành giữa mở bốn cửa: cửa Trấn Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc, cửa Tây Nam.
Di tích trong khu vực Cổ Loa
Khu vực Cổ Loa còn lại đến ngày nay không chỉ là một di tích nhỏ bé mà là cả một quần thể di tích, đó là:
– Đền Thục An Dương Vương : xây dựng năm 1687, đời Lê Hy Tông, sửa lại năm 1689, thường gọi là Đền Thượng, đứng trên một quả đồi xưa có Cung thất của Vua. Cửa đền có hai con rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Nhà bia có 3 tấm bia đá khắc năm 1606. Trong đền có đôi ngựa hồng làm năm 1716, tượng đồng Vua Thục đúc năm 1897, nặng 255kg.
– Giếng Ngọc : ngay trước đền là một hồ hình bán nguyệt, giữa đắp bờ tròn tạo thành giếng ngọc. Tương truyền, đây là nơi sau khi phản bội, Trọng Thuỷ tự tử, nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng đẹp bội phần cho nên thành tên đó.
– Am Bà chúa : ngay sau cây đa nghìn tuổi tỏa bóng mát cả một vùng sân rộng, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò thiên nhiên mở lối đi vào am. Tượng bà chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng: sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía Đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.
– Đình Ngự Triều Di Quy : xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong, cột đình có đôi câu đối của Tôn Thất Thuyết, một Thủ lĩnh Cần Vương chống Pháp:
Tặc đáo Loa thành tùy diệt một
Điện vô quy nỗ dũng uy linh
Nghĩa là:
Giặc đến thành Loa theo diệt hết
Điện không nỏ báu vẫn linh thiêng
Lễ hội truyền thống Cổ Loa
Xã Cổ Loa gồm có ba làng Chùa, Đông và Xoài. Xưa, ba làng gồm mười hai xóm mà tới nay tên gọi vẫn còn như chứng tích của lịch sử: Thượng, Nhồi, Dõng, Gà, Lan Trì, Chùa, Chợ Vang, Hương, Mít, Bãi và Trại. Mười hai xóm ấy xưa nay vẫn cùng nhau thờ phụng, trông coi di tích nổi tiếng này của cả nước và hàng năm cứ mồng 6 tháng Giêng lại mở hội để tưởng nhớ An Dương Vương (tương truyền đó là ngày nhà vua lên ngôi). Từ xưa, dân gian ở đây đã có câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống không bỏ mồng sáu tháng Giêng” đủ thấy việc thờ phụng An Dương Vương có ý nghĩa rất sâu nặng trong tâm thức người dân.
Trước kia, lễ hội được tổ chức trong 12 ngày, năm nào thiên tai, mất mùa thì chỉ rút ngắn chỉ còn 6 ngày, gọi là “bán trà”. Ngày nay, lễ hội diễn ra từ ngày mồng 5 tháng Giêng và mồng 6 là chính hội, dân địa phương gọi là “ăn tết lại”, là một lễ hội cổ truyền lớn, thu hút hàng vạn lượt người tham dự.
Ngày mồng 6/Giêng là ngày chính hội nhưng dân làng đã tiến hành lễ nhập tịch từ ngày 14/Chạp, chuẩn bị cho mùa lễ hội năm mới. Khắp nơi trong làng đường sá được sửa sang, quét dọn, các di tích được chỉnh trang, cờ quạt và các đồ tự khí, kiệu, tàn, lọng được bao sái, trưng lên tưng bừng.
Ngày 18/Chạp là ngày lễ gia quan, làng tổ chức rước kiệu đưa áo mũ của thần về đền nơi thần ngự. Sau đó tiến hành một tuần tế – tế gia quan.
Cùng đó, phe Tư văn trong làng cũng lựa chọn người văn hay chữ tốt viết chúc văn tế thần. Thông thường người được chọn phải là người đỗ đạt cao, có tài văn chương được mọi người tín nhiệm. Từ sáng sớm ngày mồng 6, Chủ lễ mặc áo thụng xanh, đội mũ tế cùng đoàn rước với cờ quạt, tàn, kiệu long đình đến nhà ông tả văn để rước bản văn tế ra đền. Đoàn rước đến đền, tù và ốc rúc lên một hồi, ông cai đám ở đền Thượng sẽ ra nghênh tiếp bản văn vào, trịnh trọng đặt lên hương án.
Trong khi dân làng Cổ Loa rước văn, thì tám xã lân cận cũng rước kiệu của xã mình tới đền Cổ Loa dự hội. Đám rước của các xã đến đầu làng thì Cổ Loa cử người ra nghênh đón và đưa vào đền Thượng. Trước cửa đền Thượng là hai con ngựa gỗ to như ngựa thật được trang trí đủ ngù, đai thêu kim tuyến rất đẹp. Trên lối đi vào nội điện là hai hàng cờ quạt, chấp kích xếp hàng song song. Khoảng giữa sân là kiệu của các xã. Trước cửa đền là hương án lớn bày bộ ngũ sự bằng đồng và các lễ vật cùng hộp kính đựng hia vàng. Bên cạnh là hương án nhỏ trên bày chiếc đỉnh và đôi hạc đồng cùng chiếc nỏ, bó tên và một thanh kiếm.
Điều đáng chú ý là lễ vật dâng lên ngoài hương, hoa, oản, quả và xôi thịt, còn có cỗ bánh dày, cỗ bỏng Chủ và chè lam, tương truyền đó là những thứ mà An Dương Vương dùng để khao quân.
Theo nghi thức truyền thống, các làng làm lễ tế hội đồng. Xã Cổ Loa là chủ nên được tế trước, nhưng bao giờ cũng vậy, các cụ ở Cổ Loa mời làng Quậy (Liên Hà) tế đầu tiên vì người làng Quậy mới là dân gốc ở đây. Lễ tế đến quá giờ Ngọ (12 giờ trưa) mới hoàn tất, mỗi xã cử bốn quan viên vào lễ tạ.
Lễ rước uy nghiêm và hoành tráng nhất là đoàn rước thần từ đền sang đình để dự hội của tất cả các làng. Đoàn rước kiệu sẽ từ đền Thượng đi vòng qua giếng Ngọc ra đến đầu làng rồi rước thần về ngự tại đình Cổ Loa. Đến đình các kiệu dự lễ ban phúc trước lúc ra về. Ông chủ tế của làng Cổ Loa thắp hương, xóc thẻ, rồi xin thần ban phúc cho các xã bằng cách cắm cho mỗi kiệu ba nén hương. Hương này đủ cháy cho đến khi kiệu tới xã mình. Sau đó, Cổ Loa vào tế một tuần cuối cùng tại đình, kết thúc nghi lễ ngày chính hội.
Trong suốt mười hai ngày đêm tại đền và đình đều có lễ túc trực. Đến 18/ Giêng, người ta tổ chức một đại tế giã đám tại đền. Các nghi thức của buổi lễ cử hành y như đại lễ ngày chính hội. Sau cùng thần vị được rước hoàn cung và kết thúc hội. Ngày nay, làng mở tiệc ăn uống vui vẻ, mọi người cùng nhau hưởng lộc thánh lấy phước cho một năm làm ăn với nhiều hy vọng.
Ngoài lễ hội lớn này, tại đền trong năm còn có những kỳ tế khác, đó là ngày 11/8 tục truyền là sinh nhật của An Dương Vương mà mồng 7/3 là ngày thánh hóa. Nhiều tập tục mang đậm bản sắc văn hóa vẫn còn được bảo lưu ở vùng đát này như: tục kết chiềng kết chạ ; tục ăn sêu Bà Chúa vào ngày 13 tháng Tám âm lịch (tưởng nhớ đến ngày lễ “đính hôn” giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu); tục khất keo làm cụ Từ (xin âm dương chọn ra hai người thủ từ trông nom đền Thượng và đình Ngự Triều Di Quy – Am Bà Chúa trong một năm); tục kiêng tên húy ( Phán gọi là Phướn hay Phớn , Mỵ Châu gọi là Bà Chúa , Cao Lỗ gọi là ông Nỏ ); tục kiêng nuôi gà, ngan, ngỗng trắng (liên quan đến truyền thuyết bạch kê tinh phá hoại khi An Dương Vương xây thành và chiếc áo lông ngỗng do Trọng Thủy tặng Mỵ Châu); tục đãi dâu, không đãi rể (do ấn tượng không đẹp về chàng rể Trọng Thủy trong truyền thuyết. Tuy nhiên tục này đến nay cũng dần phai nhạt)…
Ngoài ra có những trò vui như cờ người, đấu vật, chọi gà, đu, tổ tôm, hát tuồng chèo, thi bắn nỏ… được tiến hành tại sân đình và xung quanh các nơi thờ tự.
Giá trị nổi bật của Khu di tích Cổ Loa
Cổ Loa đã từng là một trung tâm kinh tế phát triển suốt một chặng đường dài của quá trình dựng nước, mang cả ba chức năng: kinh thành, quân thành và thị thành.
Khu di tích Cổ Loa hiện có 60 di tích (trong đó có 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia). Cổ Loa ngày nay còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể có giá trị, trong đó nổi bật là Lễ hội Cổ Loa – đây là một lễ hội đặc biệt, cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với chủ nhân đầu tiên, từ một vị Vua đã trở thành vị Thần bảo trợ đời sống tinh thần của muôn đời con cháu.
Dấu tích còn lại ở Cổ Loa hiện nay là một tòa thành cổ nhất, không chỉ đồ sộ về quy mô, mà còn độc đáo về kiểu thức với cấu trúc nhiều lớp thành uốn lượn; là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam và toàn Đông Nam Á thời cổ đại, đồng thời là một công trình lao động có quy mô lớn nhất, sáng tạo nhất của quân dân Âu Lạc.
Bên cạnh đó, Cổ Loa còn cả một quần thể các công trình kiến trúc vô cùng phong phú bao gồm nhiều loại hình với nhiều chức năng khác nhau. Đó là những công trình tưởng niệm, những công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng ở đây không chỉ là những công trình mang giá trị lịch sử văn hóa, mà thực sự là những kiến trúc – nghệ thuật, được thể hiện bằng chính bản thân kiến trúc cùng với những tác phẩm của nghệ thuật chạm khắc, tạo hình và trang trí trên nhiều chất liệu, có giá trị thẩm mỹ cao.
Khu di tích Cổ Loa là địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn văn hóa của người Việt cách đây từ 4000 – 2000 năm, trải qua các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, gồm các di chỉ tiêu biểu sau: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, xóm Nhồi, đền Thượng, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực. Các di chỉ khảo cổ và các phát hiện về khảo cổ học ở Cổ Loa và vùng phụ cận đã cho thấy sự phát triển liên tục của cư dân thời Phùng Nguyên cho đến các thời tiếp sau mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn, còn được gọi là “văn minh sông Hồng”. Đặc biệt, sự phát hiện hàng vạn mũi tên đồng, các loại vũ khí, dụng cụ sản xuất cùng với trống đồng Cổ Loa và khuôn đúc mũi tên đồng đã làm sáng tỏ thêm những truyền thuyết lịch sử thời kỳ An Dương Vương tại khu di tích Cổ Loa.
Khu di tích Cổ Loa trong tương lai với định hướng phát triển du lịch sinh thái – lịch sử, văn hóa – lễ hội – làng cổ gắn ngành nghề truyền thống và ẩm thực vùng sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ có khách du lịch trong nước mà cả khách du lịch quốc tế.
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội
[luu_zalo url_zalo=”https://media.zalo.me/detail/652805129734127952?id=0dd7c9c7c2822bdc7293&pageId=652805129734127952″]